Có lẽ cũng không cần nói thêm rằng buổi truyền hình tối hôm đó thiên
hạ náo nức như thế nào. Những người xưa nay không bao giờ biết bóng đá
là gì cũng phải chen nhau xem cho được trận đấu trên truyền hình... Tôi
chắc cái Hoa cũng không chịu bỏ buổi này. Nó sẽ nghĩ gì nếu nó biết có tôi
tham gia? và đã làm xoay chuyển tình thế trên sân cỏ. Có thể không những
nó không tán thành, thậm chí còn lên án là tôi chơi không đẹp, không có
tinh thần thể thao, thiếu văn hóa. Ồ, tôi không còn lạ gì nó. Chúa cực đoan.
Tôi không lo. Lúc đó An sẽ đứng hẳn về phía tôi, mà một khi cậu ta đã cãi
thì không cần phải lý lẽ gì hết. Với An, cái lý mạnh mẽ nhất là cãi bừa, cãi
lấy được và cuối cùng chân lý bao giờ cũng thuộc về nắm đấm...
Vài hôm sau tôi ghé qua nhà. Mẹ tôi ngồi buồn lo, nước mắt chảy tràn.
Mẹ đã ngồi như thế này mấy ngày liền rồi sao? Tưởng mấy chữ con để lại
đó đủ để mẹ an tâm, tin tưởng ở đứa con trai của mẹ. Tôi còn đang phân
vân chưa biết làm cách nào để nói cho mẹ tôi biết thì bọn Hoa, An, Bình
bước vào. Hóa ra từ buổi tôi đi, hàng ngày các bạn đi học đều ghé lại thăm,
an ủi mẹ tôi.
Hãy nghe Hoa nói:
- Chắc là trốn học đi chơi đâu mấy bữa, bán hết quần áo, đói lại chẳng bò
về đấy thôi. Bác lo buồn làm gì cho hại sức.
Lúc đó tôi chỉ muốn bắt con thạch sùng bỏ vô cổ áo cho nó biết tay. Cái
mồm xinh xắn thế nhưng khổ nỗi chỉ chứa toàn cóc, rắn, ếch nhái thôi.
- Hôm đi nó không mang theo quần áo, tiền nong gì hết. Mẹ tôi nói. Cho
tới bộ quần áo mặc trên người nó cũng cởi bỏ lại. Chẳng lẽ...
Ý mẹ tôi muốn nói là tôi không mặc quần áo mà ra đường, nhưng bà
dừng lại.
Cậu An cười hô hố:
- Có họa là thằng rồ. Chắc là bọn quân khu nào đó rủ rê nhập bọn. Nó mà
vô phúc gặp bọn cháu giữa đường, cháu sẽ dần cho một trận nên thân rồi
lôi về nộp cho bác.
Tôi chỉ muốn cười to lên. Đúng là đồ khoác lác. Ngữ nó mà đòi chơi nổi
tôi. Còn Bình thì đứng im, vẻ mặt trầm ngâm suy nghĩ, thông cảm với nỗi