đau khổ của người mẹ có đứa con hư. Lúc nào nó cũng như ông cụ non. Mẹ
tôi nhìn các bạn tôi, từng đứa một rồi buồn rầu nói:
- Bác xấu phước. Sao nó không được như các cháu. Nó chẳng bằng cái
móng tay của cháu Hoa!
Ôi mẹ ơi! Con trai mẹ mà mẹ đem ví với móng tay của cái Hoa. Tất
nhiên trong cả bọn phải công nhận là Hoa học giỏi. Chắc chắn cái mũi của
nó nở phồng ra, mặc dầu cô nàng một mực khiêm tốn:
- Bác nói thế chứ! Cháu bị mẹ cháu rày luôn. Mà bạn ấy cũng có cái tốt,
thông minh, chỉ phải cái tội lười học.
Tôi mỉm cười. Cô bé công bằng đấy. Thông minh quá đi chứ. Mà anh
nào thông minh thì thường lười học. Trời sinh ra thế. Vừa thông minh vừa
chăm học thì sẽ làm chúa tể thiên hạ mất!
- Thông minh mà lười thì cũng vứt đi. An nói.
- Lại còn cái bệnh hay nghĩ ngợi vẩn vơ, đầu óc không thực tế. Mãi giờ
Bình mới lên tiếng. Hóa ra các người thi nhau lên án tôi! Trong khi tôi
không có lấy dù một chút xíu quyền để cãi lại, ít ra là để bảo vệ mình. Tôi
như một kẻ bị người ta buộc lưỡi lại, chỉ có quyền nghe và... chịu đựng.
- Đấy, nó thế đấy - mẹ tôi lắc đầu buồn bã. Ở nhà đố giúp đỡ bố mẹ được
việc gì. Tuy là con trai, nhưng việc lớn việc nhỏ đều chờ mẹ làm cho hết.
Thay quần áo cả tháng không giặt, đến lúc hết quần áo sạch, nó lại lôi ra
giũ mấy cái rồi lại mặc vào người đi học.
Cái Hoa nhăn mũi lại như sợ mùi quần áo bẩn của tôi xông lên làm nó
ngạt thở.
Tôi không giận mẹ nói xấu con mình trước mặt các bạn tôi. Những điều
bà nói đó đều đúng. Có điều là các bạn tôi không hiểu điều này, tất cả là do
quan niệm của tôi, có thể tóm tắt trong chuyện ngụ ngôn “con Voi và cái
kim” chuyện như thế này:
Trong khu rừng nọ một hôm các loài vật tổ chức một cuộc thi: nhặt cây
kim dưới đất lên. Tham gia cuộc thi gồm có từ chú sóc nhỏ bé xinh xinh
cho tới bác voi to đùng. Sức vóc bác voi mà so với cây kim thì có nghĩa lý
gì. Cái vòi của bác ta có thể quắp nâng lên súc gỗ hàng chục tạ. Vậy mà bác