thiên hạ. Nghĩ vậy nên tôi đành ngoan ngoãn theo số 1 cho tới... tận cùng.
Chúng tôi rất dễ lạc nhau. Vì không ai nhìn thấy ai. Do đó mà lúc lạc,
cần tìm nhau, cứ tới chỗ hẹn chờ thế nào cũng gặp nhau lại ngay. Nhưng để
chắc chắn chúng tôi thường nắm tay nhau đi. Dầu sao tôi cũng rất thích
người bạn đồng hành của tôi. Số 1 không màu mè, nghĩ gì nói nấy. Đôi khi
nói hơi nhiều. Có hôm tôi nói với số 1 điều đó, anh ấy bảo:
- Chẳng phải đâu. Trước kia khi chưa có cậu tớ cóc được nói chuyện với
ai. Bây giờ nói cho đã. Cậu có nghe không mặc cậu. Cậu không biết chứ,
khổ nhất là khi mình phải nói cho một mình mình nghe.
Về điều này thì tôi hoàn toàn thông cảm với anh. Nhiều bữa ở rạp ra, còn
sớm, chưa trở về đại bản doanh được, chúng tôi la cà ở các phố đông người.
Được nghe và nhìn thấy đủ mọi chuyện trên đời mà người thường không
thể nào trông thấy được, kể cũng thích. Mỗi cái đều phải trả giá hoặc ngược
lại được đền bù.
Có một nơi mà tôi rất thích vào là các hiệu sách quốc văn. Nhưng số 1
thì không bao giờ.
- Sách chỉ để cho bọn ngốc đọc! Số 1 thường tuyên bố mỗi lúc tôi muốn
kéo anh vào.
- Nhưng anh định viết sách mà không đọc thì làm sao viết được. Tôi
tưởng khi đưa ra ý kiến này sẽ thuyết phục được số 1. Nhưng anh thản
nhiên nói:
- Chú không hiểu gì hết. Cái bọn viết sách trước hết là họ không bao giờ
đọc sách. Nếu đọc thì họ đã chẳng bao giờ cầm bút viết. Có chăng là họ chỉ
đọc đi đọc lại những cái họ viết ra và bắt vợ con đọc cho họ nghe. Chẳng
tin thì cậu cứ đi thẩm tra lại mà xem tớ nói có đúng không?
Tôi vừa nghi hoặc nhưng cũng vừa thán phục. Bao giờ số 1 cũng có
những ý kiến độc đáo khác người. Chẳng hạn như khi nói về bọn con gái,
anh bảo: “Bọn chúng nó chỉ hơn ta được cái tóc dài, mai mốt con trai cũng
để tóc dài, họ chẳng còn gì để hơn tụi mình nữa”. Tôi biết có gì không
đúng, nhưng không thể cãi lại. Như để củng cố lòng tin của tôi về chuyện
sách vở, số 1 nói tiếp: