nhau với Gaujean, hắn rất muốn dành hẳn một trăm máy dệt theo mẫu này,
nhưng hắn lại đòi mỗi mét cao hơn hai nhăm xăngtim.
Hầu như tháng nào Bouthemont cũng về nơi chế tạo như vậy, qua nhiều
ngày ở Lyon, gặp khách sạn nào thì trọ ở đấy, với lệnh trả tiền khoản đãi
những tay chế tạo. Vả lại hắn hoàn toàn được tự do, hắn mua cái gì mà hắn
cho là tốt, miễn là mỗi năm hắn tăng được doanh số quầy hàng của hắn
theo tỉ lệ ấn định trước; và cũng trên mức tăng đó, hắn được lĩnh khoản
phần trăm lãi của hắn. Tựu trung, vị trí của hắn ở hiệu Hạnh Phúc các bà,
giống như của tất cả các thủ trưởng đồng nghiệp của hắn, là vị trí của một
thương nhân chuyên ngành trong một tổ hợp thương nghiệp nhiều ngành,
một thứ thương xá rộng lớn.
- Thế là quyết định đấy chứ, - Anh ta lại nói - ta ghi cho nó năm phrăng
sáu mươi. Ông biết không, đó là xấp xỉ giá mua vào.
- Được! Được, năm phrăng sáu mươi, - Mouret hăm hở nói - nếu như chỉ
một mình tôi thì tôi sẽ bán lỗ vốn kia đấy.
Viên gian hàng trưởng cười xòa.
- Chà! Tôi thì tôi chẳng mong gì hơn... Bán ra sẽ gấp ba, thu nhập lớn tôi
mới có lợi...
Nhưng Bourdoncle mặt vẫn nghiêm, môi mím chặt. Anh ta thì hưởng
khoản phần trảm theo tổng số lãi, và việc của anh ta chẳng phải là hạ giá
bán. Chính là anh ta kiểm soát để giám thị việc ghi giá, để Bouthemont
không chỉ chạy theo doanh thu mà bán quá ít lãi. Mặt khác, anh ta trở lại
với nỗi lo lắng cũ, trước những trù hoạch vì quảng cáo mà anh không nắm
được. Anh ta dám ra mặt phản đối khi nói:
- Nếu ta bán nó với giá năm phrăng sáu mươi thì cũng cầm bằng như ta
bán lỗ, là vì phải khấu trừ trước những kinh phí rất lớn... Ở đâu người ta
cũng bán bảy phrăng thì phải.