thập niên 70 đến thập niên 90, độ phủ sóng của kênh truyền hình Rede
Globo mở rộng đột ngột, kéo theo sự tăng vọt tỉ suất người xem Telenova.
Vào thời hoàng kim của Telenova, những năm 1980, nhân vật trên phim
thường có đẳng cấp và thái độ xã hội rất khác so với người dân Brazil thông
thường. Năm 1970 một phụ nữ Brazil điển hình sinh khoảng sáu đứa con,
trong khi trên truyền hình hầu hết các nhân vật nữ dưới 50 tuổi chẳng hề có
con cái hoặc chỉ có 1 đứa con. Ngay sau khi phim truyền hình dài tập phủ
sóng tới một địa phương, tỉ lệ sinh đẻ tại địa phương đó sẽ giảm mạnh;
ngoài ra phụ nữ tại những nơi này cũng thích đặt tên con theo nhân vật chính
trong phim.
Phim ảnh rốt cuộc đã đưa đến cho công chúng một cái nhìn
rất khác về cuộc sống trong mơ. Cuộc sống trên phim tươi đẹp hơn nhiều so
với cuộc sống quen thuộc thường nhật của người dân Brazil, và kết quả là
dẫn đến những đổi thay sâu sắc trong lòng xã hội. Điều này không hoàn toàn
ngẫu nhiên, vì trong một xã hội vẫn còn nhiều câu nệ và khuôn phép như
Brazil, phim truyền hình chính là nơi gửi gắm tâm tư và sáng tạo nghệ thuật
của nhiều nghệ sĩ cấp tiến.
Đối với câu hỏi “Người nghèo có kiểm soát được chuyện sinh con đẻ cái
không?”, nếu vội vàng đưa ra câu trả lời thì sẽ dễ nói sao cũng được. Vì thế
phải tiếp cận vấn đề ở hai cấp độ. Ở cấp độ trực tiếp, đúng là người nghèo có
kiểm soát chuyện sinh đẻ: Sinh con hay không là một quyết định mang tính
chọn lựa, và quyết định này không bị ảnh hưởng nhiều ngay cả khi không
được tiếp cận đầy đủ với các phương tiện tránh thai. Tuy nhiên đồng thời
những yếu tố tác động đến lựa chọn này phần nào lại vượt khỏi vòng kiểm
soát trực tiếp của người nghèo. Đặc biệt, phụ nữ thường phải sinh nhiều con
hơn mong muốn của bản thân do áp lực từ chồng, mẹ chồng hay các chuẩn
mực xã hội. Điều này gợi mở một hệ thống chính sách rất khác so với những
gì Sanjay Gandhi từng đeo đuổi, hay các tổ chức quốc tế đầy thiện chí hiện
nay đang áp dụng: Chỉ dừng lại ở việc cung ứng các phương tiện tránh thai
sẽ không giải quyết được vấn đề. Tác động đến chuẩn mực xã hội thậm chí
còn khó khăn hơn, mặc dù ví dụ về truyền hình ở Brazil chứng tỏ việc này
vẫn khả thi. Tuy nhiên chuẩn mực xã hội thông thường lại phản ánh lợi ích