trợ giá. Nhiều bang ở Ấn Độ cũng có chương trình tương tự. Ví dụ ở Orissa,
người nghèo được hưởng 55 pound gạo mỗi tháng với giá khoảng 1 rupi mỗi
pound, thấp hơn 20% so với giá thị trường. Hiện tại, Nghị viện Ấn Độ đang
thảo luận để xây dựng Đạo luật về Quyền đối với Lương thực (Right to
Food Act), theo đó người dân có quyền kiện chính phủ nếu họ bị thiếu ăn.
Phân phát viện trợ lương thực trên quy mô lớn là cả một cơn hãi hùng về
kho vận. Ở Ấn Độ, ước tính có hơn 1/2 lượng lúa mì và 1/3 lượng gạo bị
“thất thoát” trong quá trình vận chuyển, trong đó một phần không nhỏ bị
chuột ăn.
Chính phủ các nước vẫn khăng khăng áp dụng chính sách này
bất chấp lãng phí và thất thoát không chỉ vì đói và nghèo hay song hành với
nhau, mà vì việc người nghèo mất khả năng nuôi sống bản thân cũng là một
nguyên nhân gốc rễ dẫn đến bẫy nghèo mà người ta thường hay nói tới. Ta
có khuynh hướng nghĩ rằng: Người nghèo không đủ khả năng ăn uống đầy
đủ; điều này sẽ khiến họ làm việc kém năng suất và mắc kẹt trong tình trạng
nghèo khổ.
Pak Solhin, sống ở một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Tây Java, Indonesia, từng giải
thích với chúng tôi cụ thể bẫy nghèo do thiếu ăn hoạt động ra sao.
Cha mẹ ông ta từng có đất đai, nhưng họ có tới mười ba đứa con, và phải
chia đất cất nhà cho gia đình con cái đến mức chẳng còn lại đất đai để trồng
trọt. Pak Solhin là nông dân thời vụ, được trả tối đa khoảng 10,000 rupi mỗi
ngày (tương đương 2 đô la Mỹ) cho công việc đồng áng. Tuy nhiên, giá
phân bón và nhiên liệu tăng đột biến trong thời gian gần đây đã buộc nông
dân phải chi tiêu tiết kiệm. Theo Pak Solhin, nông dân địa phương quyết
định không cắt giảm lương, mà thay vào đó ngừng hẳn thuê nhân công. Pak
Solhin gần như luôn ở trong tình trạng thất nghiệp. Năm 2008, suốt hai
tháng trước khi gặp chúng tôi, ông ta hoàn toàn không được ai thuê làm
đồng. Những thanh niên trẻ gặp tình huống tương tự vẫn có thể tìm việc
khác, chẳng hạn công nhân xây dựng. Nhưng như ông giải thích, ông không
đủ sức để làm những công việc thuần chân tay, không đủ kinh nghiệm cho