những công việc đòi hỏi lao động lành nghề, và ở tuổi bốn mươi, ông quá
già để bắt đầu học việc: Chẳng ai muốn thuê ông.
Kết quả là gia đình Pak Solhin - vợ chồng ông và ba đứa con - lâm vào tình
cảnh rất bi đát. Vợ ông đến Jakarta, cách nhà gần 130km, để làm người giúp
việc qua lời giới thiệu của một người bạn. Nhưng bà vẫn chẳng kiếm đủ tiền
nuôi con. Đứa con trai đầu, học giỏi nhưng phải thôi học khi lên 12 và bắt
đầu phụ hồ ở một công trường xây dựng. Hai đứa nhỏ hơn được gửi cho ông
bà. Còn Pak Solhin thì sống chật vật với khoảng 5kg gạo trợ cấp mỗi tuần từ
chính phủ và cá bắt được ở ven hồ (ông không biết bơi). Anh trai ông thỉnh
thoảng cho ông ăn nhờ. Trong tuần cuối chúng tôi nói chuyện với ông, ông
chỉ đủ ăn hai bữa/ngày trong vòng bốn ngày đầu, và chỉ một bữa/ngày cho
ba ngày tiếp theo.
Dường như Pak Solhin không còn lựa chọn nào khác, và ông cho rằng vấn
đề của mình là do lương thực (hay chính xác hơn là do thiếu lương thực).
Theo ông, chủ ruộng quyết định sa thải người làm công thay vì cắt giảm
lương vì họ nghĩ với giá cả lương thực tăng nhanh trong thời gian tới, việc
cắt giảm lương sẽ đẩy những người làm công vào tình trạng thiếu ăn nghiêm
trọng, kết quả là những người này sẽ chẳng giúp ích gì cho công việc đồng
áng. Đây là cách mà Pak Solhin tự giải thích với bản thân lý do vì sao ông bị
thất nghiệp. Mặc dù rõ ràng là ông sẵn sàng làm việc, nhưng do thiếu thức
ăn nên ông yếu ớt, không có sức lực, và tâm lý chán nản tuyệt vọng cứ gặm
nhấm quyết tâm phải hành động để giải quyết vấn đề của ông.
Lối suy nghĩ bẫy nghèo do thiếu lương thực như ông Pak Solhin giải thích
có từ lâu. Quan điểm này lần đầu chính thức công bố trong giới kinh tế học
là vào năm 1958.
Đơn giản là cơ thể con người cần một lượng calo nhất
định để tồn tại. Vì thế khi một người rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực,
anh ta gần như không có khả năng chi tiêu cho thực phẩm để duy trì hoạt
động cơ thể thông thường, và có thể không kiếm đủ số tiền ít ỏi để mua
lượng thực phẩm tối thiểu đó. Đây chính là tình huống Pak Solhin thấy mình