tranh, họa sĩ nói rằng, “Đối với tôi, chủ đề này sẽ bi thương hơn bất kỳ chủ
đề nào, có thể rất khủng khiếp nhưng vì thế mà đẹp hơn.”
Fildes rõ ràng là đã hiểu rõ hơn về cái chết. Trước đó mười bốn năm, ông
từng chứng kiến cái chết của con trai mình vì một căn bệnh truyền nhiễm đã
cướp đi sinh mạng của rất nhiều trẻ em hồi những năm cuối của thế kỷ XIX,
không lâu trước buổi bình minh của y học hiện đại. Chúng ta không biết căn
bệnh nào đã giết chết Phillip Fildes, nhưng hẳn nó không thể là một cái kết
êm ái đối với cuộc đời ngắn ngủi của cậu bé. Nếu là bệnh bạch hầu, cậu bé
đã bị nghẹt thở cho đến chết; nếu là sốt phát ban, cậu đã bị mê sảng và có
những cơn sốt cao dữ dội; nếu vì viêm màng não, cậu có thể bị đau đầu
không thể kiểm soát và co giật. Có lẽ đứa trẻ trong The Doctor đã trải qua
những đau đớn cực độ như vậy và giờ đây đã chìm vào cơn hôn mê bình yên
cuối cùng – nhưng dù là điều gì đã xảy ra trong những giờ phút trước khi cái
chết “đẹp đẽ” ấy diễn ra, thì chắc chắn điều đó cũng đã vượt ra ngoài sức
chịu đựng của cô gái bé bỏng và cha mẹ em. Chúng ta hiếm khi có thể nhẹ
nhàng đi vào giấc ngủ ngon lành đó.
Francisco Goya, tám thập kỷ trước, đã trung thực hơn – có lẽ vì ông sống
trong thời kỳ mà cái chết hiện diện ở khắp mọi nơi. Bức tranh của ông được
gọi bằng những tên khác nhau trong tiếng Anh là Diptheria hay The Croup
(đều có nghĩa là Bệnh bạch hầu), được thực hiện theo phong cách của
trường phái Hiện thực Tây Ban Nha và trong suốt thời kỳ chủ nghĩa hiện
thực ở Âu châu. Trong bức tranh, chúng ta thấy một vị bác sĩ đang giữ chắc
đầu một bệnh nhân nhỏ tuổi bằng cách đặt một tay trên cổ cậu bé, trong khi
chuẩn bị luồn những ngón tay của bàn tay còn lại vào cổ họng của cậu bé để
xé đi lớp màng bạch hầu sẽ cướp đi sinh mạng cậu bé nếu không được lôi ra.
Tên gốc tiếng Tây Ban Nha của bức tranh, và của chứng bệnh, thể hiện trọn
vẹn sức mạnh trong sự thẳng thắn của Goya, cũng như sự quen thuộc với cái
chết mỗi ngày ở thời đại đó. Ông gọi nó là El Garrotillo (bệnh bạch hầu
thanh quản), thể hiện sự bóp nghẹt mà qua đó, căn bệnh sẽ giết chết nạn
nhân của mình. Những ngày tháng đối đầu với thực tế về cái chết như vậy từ
lâu đã không còn nữa, chí ít là ở phương Tây.