Ngay từ thời của Hippocrates và thậm chí là trước đó, các bác sĩ Hy Lạp
cổ đại đã hiểu rõ cách khối u ác tính theo đuổi quyết tâm không gì lay
chuyển được của nó để phá hủy sự sống. Họ đặt một cái tên rất riêng cho
những chỗ sưng tấy và những vết loét trầm trọng thường thấy ở bên trong
ngực hoặc nhô ra từ trực tràng hoặc âm đạo; họ đặt cái tên đó theo bằng
chứng tận mắt họ thấy, tận tay họ sờ. Để phân biệt chúng với những vết sưng
tấy thông thường mà họ gọi là oncos, họ sử dụng thuật ngữ karkinos, hay
“crab” (con cua), bắt nguồn một cách thú vị từ gốc Âu – Ấn mang nghĩa
“hard” (cứng). Oma là một hậu tố ám chỉ “khối u”, karkinoma được sử dụng
để chỉ một khối u ác tính. Hàng thế kỉ sau, từ Latin “crab”, ung thư, được sử
dụng phổ biến. Trong khi đó, oncos được áp dụng cho các khối u ở bất cứ
dạng nào, điều này lý giải tại sao chúng ta lại gọi một chuyên gia ung thư là
một oncologist.
Karkinoma được cho là sinh ra từ sự ứ đọng một lượng dư thừa chất dịch
giả định bên trong cơ thể, được gọi là mật đen, hay melan cholos (xuất phát
từ melas – nghĩa là “đen”, còn chole là “mật”). Vì người Hy Lạp không giải
phẫu cơ thể người, những bệnh ung thư mà họ thấy là những khối u ác tính
đã bị loét ra ở vú hay da, cũng như những khối u ở trực tràng và đường sinh
dục của phụ nữ đã phát triển quá lớn đến mức chúng nhô ra ở tất cả các phần
hở của cơ thể. Theo đó, cách giải thích kỳ cục được hỗ trợ bởi quan sát
thông thường là các bệnh nhân ung thư u uất thực sự, và vì với lý do rõ ràng
là hợp lý.
Nguồn gốc của karkinos và karkinoma cũng như rất nhiều những thuật
ngữ Hy Lạp được dựa trên sự quan sát và sờ nắn đơn giản. Như Galen,
người tiên phong trong việc giải thích và hệ thống hóa y học Hy Lạp, đưa ra
vào thế kỉ II, hình dạng của khối cứng như đá, âm thầm thâm nhập, loét ở
giữa, mà ông thường thấy ở ngực phụ nữ, thì “giống hệt như chân của con
cua vươn ra từ tất cả các phần của cơ thể nó”. Và không chỉ có những cái
chân đào ngày càng sâu và rộng vào thịt nạn nhân – mà cả phần ở giữa cũng
trực tiếp ăn mòn nạn nhân.