nước chúng di chuyển hệt như những khối cơ bắp khoác áo đuôi tôm. Lũ
trẻ hò la, gí sát mặt vào kính. Ruth đếm người sống như đếm người chết.
Trong khuôn viên chật chội của chuồng chim cánh cụt, tiếng hò la của bọn
trẻ vang dội trùm lấp cho phép cô nàng khỏi phải nghe thứ tiếng gào thét
kia trong một khoảnh khắc.
Cuối tuần ấy em trai tôi vẫn dậy sớm như mọi ngày. Em đang học lớp bảy,
tự mua bữa ăn trưa trong trường. Em tham gia nhóm Luyện tập Tranh luận
và, tương tự như Ruth trước kia, cu cậu là người cuối cùng hoặc áp chót
được tuyển vào đội thể dục. Em không phải con người ham thể thao như
Lindsey. Thay vào đó em hay làm những việc mà bà ngoại Lynn gọi là
“nhằm gây ấn tượng”. Cô giáo em mến nhất đúng ra không thật là cô giáo,
mà là thủ thư của thư viện nhà trường, một bà cao lớn ốm yếu tóc xoăn hay
uống trà đựng trong bình thủy và kể rằng hồi trẻ bà sống bên Anh. Sau đó
em nói pha giọng Anh mất vài tháng và tỏ vẻ chú tâm khi cùng em gái tôi
ngồi xem vở kịch “Những kiệt tác sân khấu.”
Năm ấy, khi em hỏi có được sử dụng mảnh vườn ngày trước mẹ vun bón
không thì bố bảo: “Được chứ, Buck, cho con tha hồ tung hoành.”
Thế là em ra tay. Em làm quần quật phờ phạc cả người, tối nào không ngủ
được em lật cuốn danh mục cũ các hàng mẫu của công ty Burpee và đọc hết
loạt loại sách về làm vườn thư viện trường có sẵn. Khi bà ngoại tôi gợi ý
nên trồng xen vài luống mùi tây với húng quế, còn anh Hal đề nghị “vài
loại rau cải nhất thiết phải có” như cà, dưa tây, dưa chuột, cà rốt và đậu thì
em trai tôi thấy cả hai người đều có lý.
Em không vừa lòng với những gì đọc được trong sách. Em chẳng thấy có lý
do nào để phải trồng hoa, cà chua và rau thơm tách riêng mỗi thứ một góc.
Với chiếc thuổng em soi đất rải hạt dần dà kín cả mặt vườn, mỗi ngày em
xin bố tôi mua thêm hạt giống mang về, hoặc em tháp tùng bà ngoại Lynn
tới siêu thị, phần thưởng cho công em sốt sắng khuân đồ là được ghé lại