Lindsey đi xuyên suốt dãy phòng học, rẽ phải lách trái dọc hành lang đặt tủ
có khóa - né tránh bất cứ ai định sán lại hỏi han. Ước gì tôi được đi sóng
đôi bên em, bắt chước điệu bộ của ông hiệu trưởng và cách ông khai mạc
những buổi họp toàn trường ở đại sảnh: "Hiệu trưởng của các em là ngưởi
bạn có nguyên tắc (1)!" Tôi sẽ lải nhải mãi bên tai làm em phải cười sặc
lên.
May mắn cho em là đi suốt không gặp ai, nhưng đến văn phòng thì em phải
hứng chịu những cái nhìn đầy thương cảm của mấy bà thư ký thích an ủi vỗ
về. Không sao. Ở nhà, trong phòng riêng, em đã chuẩn bị sẵn rồi. Em tự
trang bị đến tận răng để đương đầu với mọi biểu lộ thiếu tế nhị của lòng
trắc ẩn.
"Lindsey à", ông hiệu trưởng Caden nói, "sáng nay thầy mới nhận được
điện thoại của cảnh sát. Thầy thành thực chia buồn với em về nỗi mất mát
này."
Em nhìn thẳng vào mắt ông. Không phải tia nhìn mà là chùm tia la-de.
"Chính xác thì em mất cái gì ạ?"
Ông Caden thấy nên nói thẳng vào những khủng hoảng của bọn trẻ. Ông đi
vòng từ phía sau bàn giấy, dắt Lindsey tới băng ghế mà đám học trò đặt cho
cái tên Trường kỷ. Mai đây ông sẽ thay nó bằng hai cái ghế dựa, cũng bởi
vì khi đi kiểm tra một loạt các trường trong hạt này, các vị chức trách trong
giới chính trị gia đã bảo ông: "Không nên để trường kỷ ở đây - mà nên để
ghế dựa. Trường kỷ dễ gây hiểu lầm."
Ông Caden ngồi xuống nên em tôi cũng ngồi theo. Tôi thích nghĩ rằng lúc
đó, dù bực bội đến mấy, em cũng thấy hồi hộp khi ngồi trên chính cái
Trường kỷ nổi tiếng này. Tôi muốn tin rằng không vì tôi mà em mất hết
mọi khả năng cảm nhận của mình.