rừng. Ở đây tôi nấp sau mành mành và cửa sổ, còn ở rừng sâu sẽ nấp trong
lau sậy. Tôi vừa khẽ khàng, ý tôi muốn nói là lén lút, vừa túm gọn vạt áo
ngủ dài bằng vải flanen trong bàn tay không cầm máy ảnh. Tôi bám theo cô
nàng, tôi chạy qua phòng khách, tiền sảnh sang phòng làm việc phía đối
diện. Nhìn bóng cô nàng dần khuất, đầu tôi chợt nảy ra một ý hay ho: chạy
ra vườn sau, ở đó tôi có thể thấy cô nàng mà không bị cản tầm mắt.
Thế là tôi nhón chân chạy ra sau nhà, lúc đó mới thấy cửa ra hàng hiên đã
mở toang.
Khi nhìn thấy mẹ, tôi quên luôn chuyện Grace Tarking. Ước gì tôi biết cách
diễn đạt đúng hơn, nhưng tôi quả chưa hề thấy bà ngồi bất động, như thể
ngồi nhưng không có mặt ở đây như thế. Bà ngồi trên cái ghế xếp bằng
nhôm quay ra vườn sau, bên ngoài cánh cửa căng lưới muỗi. Bà cầm cái đĩa
lót, trên có tách cà phê quen thuộc. Sáng hôm đó không có vệt son trên
chiếc tách vì bà không tô môi, mãi sau đó bà mới tô…mà tô cho ai? Tôi
chưa từng nghĩ tới việc đặt câu hỏi này. Bố tôi? hay cho chúng tôi?
Con Holiday nằm phục cạnh bể nước cho chim tắm, sung sướng thè lưỡi
thở, không để ý tới tôi. Nó đang nhìn mẹ tôi. Bà đang nhìn đâu thật xa xăm.
Giây phút ấy, bà không phải là mẹ của tôi mà là gì đó tách rời ra khỏi tôi.
Tôi nhìn một con người mà trước giờ tôi chỉ biết là mẹ mình, thấy làn da
mặt mịn màng như có đánh phấn của bà – phấn mà không dùng kem nền –
mịn màng tự nhiên. Lông mày cùng với mắt bà hợp thành một tổng thể hài
hòa. “Mắt đại dương,” bố tôi gọi bà như thế mỗi khi ông muốn xin một thỏi
sô-cô-la anh đào bà cất riêng cho mình trong ngăn tủ dành để rượu. Bây giờ
tôi mới hiểu nghĩa cái tên này. Tôi cứ nghĩ vì mắt mẹ màu xanh, nhưng nay
mới hiểu vì chúng sâu thăm thẳm khiến tôi phát sợ. Bấy giờ tôi thấy bằng
trực giác, không phải đã nghĩ kỹ, rằng trước khi con Holiday thấy và đánh
hơi được tôi, trước khi làn sương mù là đà trên đám cỏ tan đi và người mẹ
bên trong bà thức dậy như mỗi buổi sáng, tôi phải chụp ảnh bà ngay với cái