rút vào phòng một mình. Với họ thì tàu thuyền trong chai nào cũng như
nhau thôi.
Nhưng hôm ấy, khi dọn phòng ông đã trò chuyện với tôi.
“Susie, con ơi, cô thủy thủ bé bỏng của bố ơi,” ông bảo, “mấy cái thuyền
nhỏ này con vẫn thích nhất đấy.”
Tôi nhìn ông bưng mấy cái tàu thuyền trong chai lọ vẫn bày trên kệ để
thành hàng trên bàn. Ông lấy cái áo cũ của mẹ xé ra làm giẻ, lau bụi trên
kệ. Dưới gầm bàn là những hàng vỏ chai không – hai bố con đã nhặt nhạnh
về trữ sẵn dự định sẽ làm tiếp. Trong tủ còn nhiều tàu hơn nữa – những
chiếc tàu bố cùng làm với ông nội, những chiếc làm một mình, rồi những
chiếc hai bố con tôi làm với nhau. Vài cái còn nguyên vẹn, nhưng vải buồm
đã ngả nâu; mấy chiếc khác sụp xuống hay đổ nghiêng qua bao năm tháng.
Có cả chiếc đã bốc cháy vào tuần lễ trước ngày tôi chết.
Ông đập nát chiếc này trước tiên.
Tim tôi thắt lại. Ông quay nhìn khắp lượt những chiếc kia, những năm
tháng chúng ghi dấu và những bàn tay từng cầm giữ chúng. Bàn tay người
cha quá cố, bàn tay đứa con mới tử biệt. Tôi nhìn ông đập nát hết số còn
lại. Ông làm phép rửa tội cho mấy bức tường và cái ghế gỗ bằng tin tôi
chết, sau đó ông đứng giữa căn phòng làm việc cũng là phòng cho khách,
quanh ông đầy mảnh chai màu xanh lục. Chai lọ, tất cả vỡ tan nằm la liệt
trên sàn, những lá buồm và thân tàu ngổn ngang trong đó. Ông đứng giữa
một bãi đổ nát. Đúng lúc ấy, tôi hiện ra mà không rõ bằng cách nào. Tôi
chiếu mặt mình lên từng mảnh chai, từng miếng giấy, từng mẩu gỗ. Bố tôi
ngó xuống rồi nhìn quanh, mắt ông lướt khắp phòng. Chỉ một giây thôi, rồi
tôi biến mất. Bố tôi lặng đi một lúc, rồi ông cười – tiếng gào hộc lên từ
trong gan ruột. Ông cười vang và đục đến nỗi tôi run rẩy trên thiên đường.
Ông rời phòng, đi quá hai cửa đến phòng ngủ của tôi. Hành lang thì hẹp,