trọng nam khinh nữ. Ở Việt Nam, giống như ở Trung Hoa, theo truyền
thống người phụ nữ có bổn phận đóng vai trò người mẹ, người nội trợ cũng
như phục vụ và giúp đỡ chồng. Nhưng không phải lúc nào cũng như vậy, vì
phụ nữ Việt Nam trong xã hội thời ấy ngày càng bị hạn chế. Trong gia đình,
họ có vị trí thấp hơn người chồng. Người chồng có toàn quyền, sở hữu tài
sản, được phép lấy vợ bé nếu vợ cả không sinh được con trai.
Tuy những giới hạn đó, Nguyễn Thị Kép và hai cô con gái may mắn hơn
những người láng giềng vì có chút ít kiến thức văn chương. Bản thân gia
đình Kép cùng có truyền thống hiếu học. Cha Kép đã đỗ tú tài giống như bố
chồng. Là vợ của một nho sĩ địa phương, Kép được những người trong
cộng đồng địa phương kính trọng và ghen tị. Tuy vậy, cuộc sống của Kép
như những người con gái khác chẳng hơn gì những người trong làng ít may
mắn cũng phải ngày qua ngày còng lưng trên những cánh đồng lầy lội
ngoài làng, cần cù chăm sóc lúa cho đến mùa thu hoạch.
Sắc đã lớn lên trong không khí đồng quê ấy. Ông đã sớm chứng tỏ sự
uyên thâm chữ Nho và khi Sắc thể hiện tình cảm với cô con gái đáng yêu
của Cử Đường thì gia đình đã đồng ý tổ chức đám cưới mặc dù bà Kép lúc
đầu dường như chưa bằng lòng vì Sắc mồ côi. Lễ cưới được tổ chức vào
năm 1883. Thầy Đường tặng con rể một ngôi nhà tranh một gian hai chái
với một mảnh đất nhỏ sát nhà ông và coi đó là của hồi môn. Một gian nhà
nhỏ bên cạnh được dùng làm nhà thờ họ để những người đàn ông trong gia
đình cúng tổ tiên. Gian nhà dựng cho đôi vợ chồng mới cưới thật gọn gàng
và ấm cúng. Gian giữa để tiếp khách, bếp ở phía sau, gian ngoài để Sắc
học. Gia đình tuy có phần khá giả hơn phần lớn các gia đình khác trong
làng nhưng họ không thuê người làm ruộng. Bảy năm sau, trong khi chồng
tiếp tục học, Hoàng Thị Loan đã sinh ba người con, người con gái đầu lòng
tên Nguyễn Thị Thanh sinh năm 1884, người con trai Nguyễn Sinh Khiêm
1888 và sau đó vào ngày 19 tháng 5 năm 1890 sinh người con trai thứ hai
tên là Nguyễn Sinh Cung sau này là Hồ Chí Minh. (Ở Việt Nam trẻ con khi
sinh ra được đặt “nhũ danh”. Khi trưởng thành bố mẹ sẽ đặt cho một tên
mới thể hiện mong ước của mình đối với đứa trẻ).