chóng. Nếu không, họ hé lộ, hậu quả có thể rất tai hại. Trong bức điện gửi
về Paris ngày 18-2, Sainteny báo cáo về cuộc đàm phán với Hồ Chí Minh
hai ngày trước đó, Hồ chấp nhận từ bỏ đòi hỏi phải có chữ “độc lập” trong
một thoả thuận hoà bình và đồng ý Việt Nam là thành viên trong khối Liên
hiệp Pháp. Nhưng Hồ đòi đổi lấy việc này “chính phủ Pháp phải công
nhận nguyên tắc chính phủ tự trị ở Việt Nam”. Ở Paris, d'Argenlieu bày tỏ
sự chấp thuận của mình về mặt nguyên tắc.
Trong lúc những cuộc thương lượng đang tiến diễn, ngày 20-2-1946,
hãng Reuters công bố những điều khoản của hiệp định Pháp - Trung sắp ký,
theo đó Trùng Khánh cho phép quân Pháp vào miền Bắc để thay thế quân
đội Tưởng. Pháp bắn tin không ngần ngại dùng vũ lực nếu Hà Nội từ chối
thoả hiệp, tướng Leclerc bắt đầu chuẩn bị đưa quân Pháp đổ bộ vào Hải
Phòng. Khi tin tức này đến Hà Nội, cả thành phố lo buồn. Những phần tử
dân tộc chủ nghĩa, vốn căm tức về những tin tức Hồ đồng ý thoả hiệp về
vấn đề độc lập, đã tổ chức những cuộc biểu tình ở những khu phố buôn bán
và kêu gọi tổng bãi công chống lại chính phủ. Một số người còn đòi Hồ Chí
Minh từ chức và thành lập một chính phủ mới do “Công dân” Vĩnh Thuỵ
đứng đầu. Khi đám đông đến hồ Hoàn Kiếm chạm trán với những người
biểu tình thân chính phủ, cuộc đụng độ nổ ra giữa hai nhóm.
Trả lời phỏng vấn ngày 22-2-1946, Hồ Chí Minh từ chối bình luận tin
đồn về hiệp định Pháp - Trung, nhưng những sự kiện sau đó cho thấy giới
lãnh đạo Việt Nam lo lắng. Suốt mấy ngày sau, chính phủ tăng cường
chuẩn bị chiến tranh, thành lập thêm những đơn vị tự vệ và yêu cầu thiếu
nhi và người già rời thành phố. Trong khi đó, gấp rút thành lập chính phủ
liên hiệp mới, triệu tập họp Quốc Hội, gồm những đại biểu được bầu hồi
tháng 1-1946. Sainteny bày tỏ nguyện vọng của mình xem xét khả năng
quyền tự trị cho Việt Nam (không nhắc đến từ độc lập), nhưng ông lại đưa
ra một rào cản khi ông tuyên bố từ chối ký một hiệp định trừ khi chính phủ
Việt Nam được mở rộng cho những đại diện của tất cả các nhóm dân
chúng.