Thành rất thích quan điểm của cha mình, bởi vì Thành rất thích đọc
những pho truyện nổi tiếng của Trung Hoa như Tam Quốc diễn nghĩa, một
truyền thuyết về chủ nghĩa anh hùng trong thời kỳ hỗn loạn sau khi nhà
Hán suy vong, Tây du ký, kể về nhà sư Đường Tăng trên đường qua Trung
Á tới Ấn Độ thỉnh kinh Phật. (Trong khi Thành học ở làng Dương Nỗ, một
học trò lớn tuổi hơn được giao nhiệm vụ trông nom Thành thấy rằng cần
phải buộc một sợi dây vào Thành để biết Thành ở đâu mỗi khi Thành có ý
định bỏ ra ngoài chơi. Và thường thì lúc đó Thành đã học xong bài).
Nguyễn Tất Thành không chỉ học trong lớp. Nhà của cha Thành nằm
cạnh một lò rèn của người thợ trong làng tên là Diễn - người đã dạy Thành
cách sử dụng bễ rèn và thường cho cậu bắn chim. Sở thích kể chuyện của
Diễn đã biến lò rèn thành một trong những nơi tụ họp quen thuộc trong
vùng. Thường vào buổi tối, Thành cùng các thanh niên khác trong làng
ngồi nghe Diễn kể chuyện về anh hùng địa phương theo nhóm Cần Vương
đã thất bại trong việc đánh đuổi bọn hung tàn khỏi mảnh đất quê hương
như thế nào. Cùng với những người khác, Thành được nghe về những chiến
công hiển hách của những chiến sĩ đã hy sinh từ lâu như Lê Lợi và Mai
Thúc Loan, những người đã chiến đấu bảo vệ quê hương chống quân xâm
lược. Thành xúc động lắng nghe chuyện Vương Thúc Mậu tự vẫn, và
chuyện về người lãnh đạo phong trào Cần Vương Phan Đình Phùng đã chết
vì bệnh lỵ vào năm 1895, đem lại kết thúc bi thảm cho phong trào khi quân
của ông bị suy yếu phải lùi sâu vào núi dọc theo biên giới Lào. Thành cũng
rất vui khi được biết một số người trong gia đình của cha mình đã chiến
đấu và hy sinh cho sự nghiệp cứu nước.
Từ đó, Thành bắt đầu mang trong mình chủ nghĩa yêu nước nồng nàn.
Khi còn sống với cha mẹ ở Huế, Thành đã tham dự một lễ tưởng niệm liệt
sĩ tại một đền gần nơi ông ở. Họ là những tử sĩ chiến đấu chống Pháp và
cũng như những người khác Thành đã rơi nước mắt trước sự hy sinh của
họ.
Trở về làng vào năm 1901, Thành rất khó chịu khi phát hiện ra hầu hết
các cuốn sách cổ đang được sử dụng ở làng đều kể về lịch sử Trung Hoa