hiệu thay đổi chính sách của Nhà Trắng. Những người phê bình Nguyễn
Chí Thanh ở Hà Nội, kể cả đối thủ lâu dài của Thanh là Võ Nguyên Giáp,
bắt đầu nghi ngờ chiến lược “chống trời” và đề xuất một chủ trương thận
trọng hơn.
Khi Bộ Chính trị bàn cãi chủ đề này, Hồ Chí Minh đứng về phe ôn hoà,
ủng hộ chiến lược chiến tranh trường kỳ kết hợp đấu tranh chính trị, tuyên
truyền và chiến tranh du kích để làm địch suy yếu dần dần. Để thuyết phục
những người nóng vội muốn đạt thắng lợi nhanh, Hồ sử dụng hình ảnh nấu
cơm. Rút lửa sớm, cơm sẽ sống. Để lửa to quá cơm sẽ khê. Tuy nhiên, Hồ
tiếp tục lạc quan về triển vọng thắng lợi cuối cùng, vạch rõ mâu thuẫn nội
bộ Mỹ đang tăng lên và sẽ đạt được đỉnh vào chiến dịch tranh cử tổng
thống tới. Tháng 12-1966, ông viết thư ngỏ gửi nhân dân Mỹ nêu rõ những
mất mát của nhân dân Việt Nam, cũng như uy tín của nước Mỹ, do cuộc
chiến gây ra. Bức thư này của Hồ đã thuyết phục một số người Mỹ tin vào
thành tâm khát khao hoà bình của Hà Nội, nhưng nó không tác động đến
chính quyền Johnson. Tại thời điểm ông viết bức thư đó, Washington chuẩn
bị những sáng kiến hoà bình thông qua đại sứ Ý tại Sài Gòn. Tuy nhiên,
những sáng kiến này chết yểu sau khi Mỹ dội bom vùng phụ cận Hà Nội,
khiến Việt Nam Dân chủ Cộng hoà huỷ bỏ cuộc họp giữa hai bên dự kiến ở
Warsaw (Ba Lan).
Hồ cũng đã tỏ rõ thái độ rất cương quyết khi tiếp ông bạn cũ là Jean
Sainteny, đến Hà Nội vào tháng 7-1966 để thăm dò khả năng trung gian hòa
giải của Pháp. Cũng như tổng thống Pháp Charle de Gaulle, Sainteny kết
luận, Mỹ không thể đạt được mục đích của mình ở Nam Việt Nam, theo
ông, tốt nhất là thương lượng, tạo nên một chính phủ trung lập ở Sài Gòn.
Hồ nhấn mạnh với Sainteny ông biết rõ Mỹ có khả năng phá huỷ tất cả các
thành phố ở Bắc Việt Nam, nhưng khẳng định, ông và nhân dân Việt Nam
sẵn sàng chiến đấu, bất chấp mọi hy sinh và chiến đấu đến thắng lợi cuối
cùng. Hồ mong muốn tìm một giải pháp rút lui trong danh dự cho Mỹ,
nhưng quân Mỹ vẫn phải rút hết. Lúc đó mọi vấn đề sẽ được giải quyết.