lệnh cho họ bơi ra những con tàu trong bão. Sau này Thành viết:
“Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp
thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Ở đâu chúng nó cũng thế. Ở ta, tôi
cũng thấy chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa
trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính
mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.
Trong những năm tháng lênh đênh trên biển, Thành đã tới một số cảng
vùng Tây Bán Cầu. Nhiều năm sau, Thành nói với người Cuba quen biết là
anh đã tới Rio de Janeiro và Buenos Aires. Đôi khi tàu của Thành dừng lại
ở các thành phố cảng dọc bờ biển phía Đông Mỹ trong đó có thành phố
New York, nơi Thành đã quyết định rời tàu đi tìm việc làm. Hình như
Thành ở lại Mỹ vài tháng.
Giai đoạn Hồ Chí Minh ở Mỹ vẫn là một trong những thời kỳ bí ẩn và
khó hiểu nhất trong cuộc đời ông. Theo ông kể với những người quen, ông
đã ở một thời gian tại New York và rất sửng sốt khi nhìn những ngôi nhà
chọc trời khu Manhattan. Đi dạo với bạn bè khu phố Tầu đã gây cho ông ấn
tượng là những người nhập cư châu Á ở Mỹ dường như có đủ các quyền lợi
theo luật pháp, chứ không phải chỉ trên pháp lý. Ông làm lao công, công
việc vặt cho một gia đình giàu có - lương bốn mươi đô - la một tháng -
nhưng vẫn có thời gian tham dự các cuộc họp hoạt động xã hội của “Phong
trào vì sự tiến bộ cho người da đen” ở Harlem, một tổ chức được thành lập
dưới sự tài trợ của một người theo chủ nghĩa dân tộc da đen sinh ra ở
Jamaica là Marcus Garvey. Nhiều năm sau, ông phát biểu với các nhà hoạt
động vì hoà bình tới thăm Hà Nội - giai đoạn chiến tranh ở Việt Nam ác liệt
nhất - ông đã rất xúc động bởi nỗi thống khổ của người da đen trên toàn thế
giới và đã đóng góp rất nhiều cho phong trào của họ. Khi một đại biểu
trong đoàn hỏi tại sao ông đã tới New York, ông trả lời, lúc đó ông nghĩ Mỹ
phản đối chủ nghĩa đế quốc phương tây và có thể sẵn sàng giúp đỡ nhân
dân Việt Nam lật đổ chế độ thuộc địa của Pháp. Nhưng ông kết luận, ở đó
không hề có sự giúp đỡ nào.