Những năm sau này, Hồ Chí Minh thường nói rằng ông cũng đã từng
sống ở Boston, nơi ông làm đầu bếp trong một thời gian ngắn tại khách sạn
Parker House, và đã tới một số bang ở miền nam trong một chuyến đi ngắn,
tại đó ông đã chứng kiến đảng Ku Klux Klan (3K) hành hình người da đen.
Sống ở Moscow trong thập niên 1920, ông đã viết một bài báo kể lại những
sự việc đó với những chi tiết sinh động. Thật không may, không một chi
tiết nào về chuyến đi của ông tới Hoa Kỳ có thể chứng thực. Hầu như chỉ
có một bằng chứng duy nhất không thể chối cãi khẳng định ông đã có mặt
tại nước Mỹ là hai bức thư ông đã gửi đi. Bức thư thứ nhất, được ký tên
Paul Tất Thành gửi toàn quyền Pháp tại Trung Kỳ ngày 15-12-1912 với dấu
bưu điện của thành phố New York. Bức thư thứ hai là một tấm bưu thiếp từ
Boston gửi cho Phan Chu Trinh ở Pháp; bức thư có nói rằng đang làm phụ
bếp trong khách sạn Paker House.
Rất có thể Thành rời Mỹ năm 1913. Thành công nhận, thời gian ở Mỹ đã
ảnh hưởng rất ít đến thế giới quan của Thành khi ông nói với nữ nhà báo
Mỹ - Anna Louis Strong - trong khi ở Mỹ ông chẳng biết gì về chính trị.
Sau một lần dừng chân ở Le Havre, Thành đã tới nước Anh để học Anh
ngữ. Trong một bức thư ngắn gửi cho Phan Chu Trinh ở Pháp, Thành đã kể,
trong bốn tháng rưỡi vừa qua Thành đã ở London học tiếng Anh, giao lưu
với những người nước ngoài. Thành viết, “Trong vòng bốn hoặc năm tháng
nữa, cháu hy vọng được gặp lại chú”. Bức thư không đề ngày, tuy nhiên
bức thư đó phải được viết trước khi nổ ra Thế chiến I vào tháng 8-1914, vì
trong thư Thành hỏi ông Trinh dự định nghỉ hè ở đâu.
Trong bức thư thứ hai, Thành nhận xét về xuất phát điểm nguyên nhân
xảy ra Thế chiến I. Theo Thành, bất kỳ nước nào cố gắng can thiệp vào vấn
đề này sẽ bị kéo vào cuộc chiến tranh và kết luận: “Cháu cho rằng trong
vòng ba hoặc bốn tháng nữa, tình hình châu Á sẽ thay đổi, và sẽ thay đổi
rất lớn. Tình hình sẽ tồi tệ hơn, gây rối loạn đối với những người phải
chiến đấu. Chúng ta chỉ có một cách là đứng sang một bên”.
Có thể Thành đã lường trước được rằng cuộc chiến sẽ dẫn tới sự sụp đổ
của hệ thống thuộc địa Pháp.