những ghi chép trong một cuốn sách ra đời sau đó năm 1925, tên là “Bản
án chế độ thực dân Pháp”. Cuốn sách này phê bình mạnh mẽ hơn các chính
sách thực dân Pháp và phản ánh rõ nét ảnh hưởng của chủ nghĩa Marx đối
với thế giới quan của ông.
Nguyễn Ái Quốc dọn đến căn hộ của Phan Chu Trinh ở Villa des
Gobelins vào tháng 7-1919, sau khi đưa ra “Bản yêu sách đối với lực lượng
đồng minh” ít lâu. Nằm trong một quận trung lưu có đủ tiện nghi gần Place
d'Italie ở tả ngạn sông Seine, nơi này khá hơn nhiều so với chỗ ở tồi tàn
trước kia. Ông không chỉ ở chung với Phan Chu Trinh mà cả với một số
cộng sự khác nữa.
Tuy nhiên, việc chuyển chỗ ở làm nảy sinh một số vấn đề. Đầu tháng 12-
1919, một thám tử trong nhóm đặc vụ cảnh sát, báo cáo có một cuộc tranh
luận gay gắt đã nổ ra giữa Nguyễn Ái Quốc và Phan Chu Trinh tại căn hộ
về việc nên tiếp tục đi theo con đường nào. Quốc lên án quan chức Việt
Nam như những chú cừu nhu nhược và trở thành kẻ đồng lõa với người
Pháp kiềm chế dân chúng và bóc lột họ. Trinh phản đối coi quan điểm đó
thật nông cạn. Ông cho rằng người Việt Nam vẫn còn quá yếu, chưa đủ khả
năng chống Pháp. Ông lập luận, chống đối giai đoạn này đồng nghĩa với tự
sát. Ông nhắc nhở: “Này anh Quốc, cho tôi được nhận xét đôi lời, anh còn
trẻ, nhưng ai cũng thấy anh bướng bỉnh. Anh muốn 20 triệu đồng bào của
chúng ta vùng lên trong khi họ không có vũ khí trong tay để chống lại vũ
khí tối tân của người châu Âu. Tại sao chúng ta lại tự sát một cách vô
ích?”
Theo Phan Chu Trinh, vẫn cần dựa vào người Pháp để thúc đẩy quá trình
hiện đại hoá xã hội Việt Nam, xã hội vẫn còn chịu ảnh hưởng của bàn tay
tử thần của truyền thống Nho giáo. Nhưng Quốc cảm thấy rằng người Pháp
là kẻ thù số một và không thể tin cậy để thực hiện lời hứa cải cách của họ.
Ông hỏi:
“Tại sao hai mươi triệu đồng bào ta lại không làm gì để buộc chính phủ
đối xử với chúng ta như đối với con người? Chúng ta là người và chúng ta
phải sống như con người. Bất kỳ ai không muốn đối xử với chúng ta như