29. Báo La République Francaise: Báo xuất bản hằng ngày ở Pari từ ngày 7-11-1871 đến ngày
12-7-1924, do Lêông Gămbetta sáng lập. Tr.128.
30. Báo Le Rappel : Báo xuất bản hằng ngày ở Pari từ 1869 đến 1933, có khuynh hướng chống
Giáo hội. Tr.136.
31. Journal officiel de la République Francaise : Công báo của nước Cộng hoà Pháp xuất bản từ
tháng 9-1870. Tr.139.
32. Bộ sưu tập động vật (nguyên bản tiếng Pháp Ménagerie): Sau Chiến tranh thế
giới thứ nhất (1914-1918), các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị Vécxây.
Mục đích chính của Hội nghị Vécxây là phân chia lại thuộc địa và quyền lợi của các
nước đế quốc, chủ yếu là Anh, Pháp, Mỹ, và tăng cường áp bức, bóc lột nhân dân các
nước thuộc địa. Pháp và Bỉ muốn tách vùng công nghiệp Ruya của Đức ra khỏi nước Đức.
Các nước khác cũng tìm cách xâu xé lẫn nhau và tập trung lực lượng tấn công vào nước
Nga Xôviết... Nguyễn ái Quốc viết bài Bộ sưu tập động vật với lối hành văn châm biếm
sâu cay, luận tội đanh thép, đã lột tả bộ mặt ăn cướp của chủ nghĩa thực dân đế quốc.
Đó là nguồn gốc gây nên sự hỗn loạn trong xã hội và bao nỗi bất hạnh cho con người.
Tr.141.
33. Đahômây: Nay là Cộng hoà nhân dân Bênanh, là một nước ở phía Tây châu Phi, trên bờ Đại
Tây Dương. Thủ đô là Poóctô Nôvô. Hồi thế kỷ XVI, Đahômây là một thị trường buôn bán nhiều nô lệ
nên còn gọi là "Bờ biển nô lệ".
Từ tháng 2-1890, thực dân Pháp bắt đầu xâm lược nước này, nhưng vấp phải sức
kháng cự quyết liệt của nhân dân. Đến đầu năm 1894, quân Pháp mới đánh chiếm xong và 5
năm sau sáp nhập xứ này vào "Liên bang Tây Phi thuộc Pháp".
Không chịu nổi ách thống trị tàn bạo đó, nhân dân Đahômây nhiều lần đứng dậy đấu tranh. Năm
1915, phong trào khởi nghĩa vũ trang lan ra nhiều tỉnh. Tr.169.
34. Hội Liên hiệp thuộc địa: Một tổ chức cách mạng của những người thuộc địa, do Nguyễn ái
Quốc cùng một số người yêu nước của các nước thuộc địa Pháp sáng lập tháng 7-1921, tại Pari. Lúc
đầu Hội có 200 hội viên và hai tổ chức người thuộc địa xin gia nhập là Hội những người An Nam yêu
nước và Hội đấu tranh cho quyền công dân của người Mađagátxca. Ban thường vụ của Hội gồm 7
người, đứng đầu là Nguyễn ái Quốc. Cơ quan tuyên truyền của Hội là báo Le Paria. Đến năm 1926,
Hội ngừng hoạt động. Tr.191.