35. Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản họp vào tháng 8-1920. Tại Đại hội này, Lênin đã nhấn
mạnh nhiệm vụ đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội trong phong trào công nhân để giữ vững nguyên tắc
mácxít trong các đảng cộng sản. Đại hội đã thông qua 21 điều kiện gia nhập Quốc tế Cộng sản và thông
qua bản Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa do Lênin dự
thảo, nhằm vạch ra đường lối đấu tranh giải phóng dân tộc cho nhân dân các dân tộc bị áp bức. Tr.194.
36. Quốc tế Nông dân : Một tổ chức cách mạng hoạt động dưới sự chỉ đạo của Quốc tế Cộng sản
nhằm đoàn kết rộng rãi giai cấp nông dân các nước trên thế giới trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa
đế quốc. Quốc tế Nông dân họp Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 10-1923, tại Mátxcơva.
Với tư cách là đại biểu nông dân của các nước thuộc địa, Nguyễn ái Quốc đã tham dự Hội nghị
và đã hai lần phát biểu ý kiến. Tại Hội nghị, Người được bầu làm Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Hội đồng
Quốc tế Nông dân. Tr.208.
37. Hương Cảng : Còn gọi là Hồng Kông, một bộ phận của lãnh thổ Trung Quốc. Trong cuộc
"chiến tranh thuốc phiện", năm 1842, đế quốc Anh buộc triều đình Mãn Thanh phải nhượng cho chúng
Hương Cảng, một cửa biển ở phía đông nam bờ biển Trung Quốc. Đến năm 1860, chúng chiếm thêm
bán đảo Cửu Long và một số đảo lân cận. Năm 1898, Anh lại chiếm thêm vùng nội địa Cửu Long rộng
gần 1.000km2. Những phần đất nói trên đều nằm trong khu vực Hương Cảng và biến thành thuộc địa
của Anh. Đây là một vị trí quan trọng vì nó nằm trên đường giao thông quốc tế, một trung tâm công
nghiệp, một thị trường thế giới, một căn cứ hải quân và thương mại lớn của Anh. Trước đây, Anh còn
lấy Hương Cảng làm bàn đạp để lấn dần đất Trung Quốc, "mở rộng cửa ngõ" lãnh thổ Trung Quốc.
Chúng chiếm vùng Tây Nam (Vân Nam, Tứ Xuyên...) làm "khu vực ảnh hưởng", thực tế là nửa thuộc
địa của chúng.
Trong bài Chính sách thực dân Anh viết năm 1923, Nguyễn ái Quốc đã tố cáo hành động lấn dần
của đế quốc Anh đối với chủ quyền và lãnh thổ Trung Quốc. Tr.213.
38. Sự kiện Lâm Thành : Ngày 6-5-1923, đoàn tàu chở khách Tân Phố trên đường đi lên phía
Bắc, qua Lâm Thành (thuộc tỉnh Sơn Đông), thì bọn thổ phỉ do Tôn Mỹ Diên cầm đầu, phá hỏng đường
sắt và cướp tàu. Chúng lùa 300 hành khách người Trung Quốc và người nước ngoài vào núi.
Lợi dụng sự kiện đó, bọn đế quốc nêu ra đủ thứ yêu sách vô lý để khống chế Trung Quốc.
Bài viết của Nguyễn ái Quốc thể hiện sự căm phẫn mạnh mẽ đối với chính sách của thực dân
Anh và bày tỏ sự đồng tình mạnh mẽ, sự ủng hộ kiên quyết đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Trung
Quốc. Tr.213.