Anatôn Phrăngxơ thấm nhuần chủ nghĩa nhân đạo cao quý, đặt ra những vấn đề xã hội và chính trị
to lớn của đầu thế kỷ XX. Văn phong của ông trong sáng, nhẹ nhàng và giễu cợt sâu sắc.
PIE (1672-1725): Còn gọi là Pie đại đế; nhà cải cách nổi tiếng của nước Nga cuối thế kỷ XVII, đầu thế
kỷ XVIII. Kế vị ngôi vua năm 1682, chính thức đăng quang năm 1689. Trong thời gian trị vì, Pie
đã tiến hành cải cách toàn diện đất nước: thành lập thượng viện, phân chia khu vực hành chính,
xây dựng kinh đô mới, đào kênh, đắp đập, mở xưởng luyện kim, khai khoáng, đóng tàu, xây dựng
quân đội thường trực, phát triển hạm đội, quản lý nhà thờ và thực hiện chính sách mở cửa về công
nghiệp, thương mại. Những cải cách của Pie đã rút ngắn khoảng cách tụt hậu của nước Nga với các
nước phương Tây.
PLATÔNG (427-347 TCN): Nhà triết học duy tâm cổ đại Hy Lạp. Platông dùng lý thuyết của tôn giáo
cho rằng thượng đế sáng tạo thế giới để đối lập với quan niệm duy vật về vũ trụ vô cùng vô tận;
dùng thần học đối lập với quyết định luận. Lý luận xã hội của Platông nhằm làm cho nền thống trị
của quý tộc được vĩnh viễn. Trong học thuyết về nhà nước lý tưởng, Platông quả quyết rằng trật tự
xã hội phải dựa trên 3 đẳng cấp: 1. Những nhà triết học chấp chính, 2. Vệ binh; 3. Nông dân và thợ
thủ công, v.v.. Đẳng cấp 1 cai trị; đẳng cấp 2 giữ gìn trật tự; đẳng cấp thứ 3 sản xuất. Ông coi sự
phân tranh nhằm làm cho chế độ bóc lột nô lệ vĩnh viễn ấy là "tự nhiên và bất di bất dịch".
POĂNGCARÊ, Raymông (1860-1934): Trạng sư Pháp, nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục
(1893-1894); Bộ trưởng Bộ Tài chính (1894-1895, 1906); Thủ tướng phụ trách Bộ Ngoại giao
(1912-1913); Tổng thống (1913-1920). Luôn luôn thực hiện chính sách đối ngoại cực hữu, nên có
tên "Poăngcarê hiếu chiến". Những năm 1922-1924, lại làm Thủ tướng phụ trách ngoại giao. Từ
năm 1929, rút khỏi chính trường về viết hồi ký.
R
RIVIE, Hăngri: Sĩ quan hải quân Pháp tham gia đánh chiếm Bắc Kỳ lần thứ hai, bị quân ta giết chết ở
gần Cầu Giấy (Hà Nội) năm 1883.
RÔI, Manabenđra Nát (1892-1948): Người ấn Độ, tham gia phong trào đấu tranh chống đế quốc Anh
từ năm 1910. Năm 1915, sống ở nước ngoài và tham gia phong trào cộng sản. Đã dự các Đại hội
II, III, IV, V Quốc tế Cộng sản. Năm 1922, được bầu là Uỷ viên dự khuyết Ban Chấp hành Quốc tế
Cộng sản. Năm 1924, được bầu là Uỷ viên chính thức Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản.
Sau bỏ Đảng Cộng sản, tham gia phong trào đấu tranh chống đế quốc Anh
theo xu hướng tư sản.