- Anh định giao phó hẳn nó cho tôi sao?
- Thưa thầy, cháu còn bé nhưng thông minh, xem ra là đứa có hiếu. Cháu sẽ
thay mẹ nó và thay con... Bẩm nhạc phụ, công việc triều chính trăm việc bề
bộn, con thẹn không thể ở bên thầy...
- Tôi hiểu... tôi hiểu...
- Vả lại, ở bên thầy, sự học hành của cháu... con cũng được yên tâm.
Quý Ly quả là người nhìn việc giỏi. Từ khi có Nguyên Trừng ở bên, ông
lang Phạm dần dần vui trở lại ông và cháu rất hợp nhau. Ngoài việc chữa
bệnh cho đời, Phạm Công dồn hết công sức dạy dỗ cháu ngoại. Thằng bé
thông minh xuất chúng; ông dạy đến đâu, cháu biết ngay không cần nhắc
lại. Đứa cháu học có kết quả, ông cụ cũng nhận được sự tác động trở ngược
của kết quả ấy. Đứa cháu đã trở thành một lý do để cụ sống ở đời. Nguyên
Trừng rất giống mẹ. Bà Phạm Thị cũng thông minh, nhưng Trừng còn
thông minh gấp bội. Bà Phạm Thị cũng kín đáo đa cảm, nhưng sự đa cảm
của Trừng lại nhiều khi làm cụ lo lắng. Không biết trong hoàn cảnh đất
nước rối ren như hiện nay, sự đa cảm ấy là tốt hay xấu, điều đó cụ lang
cũng không hiểu được.
Nguyên Trừng bị ảnh hưởng ông ngoại, suốt ngày miệt mài đèn sách. Nhìn
cái dáng gầy guộc của cháu, ông ngoại vô cùng lo lắng. May thay, người
lão bộc Chiêm Thành một hôm nói với ông cụ:
- Thưa cụ, sao cụ không rèn cho cậu Trừng văn võ toàn tài.
- Ông nói đúng, có văn lại phải có võ mới thật là đạo trung. Nhưng đáng
tiếc, ta không biết võ.
- Con sẽ lo việc ấy.
Cụ lang cười:
- Ta quên khuấy mất. Ông vốn là võ tướng. Ha, ha!... bao năm nay ở bên ta,
chẳng bao giờ ông dụng võ thành thử...
Từ đó, Trừng lại có thêm một ông thày thứ hai là người lão bộc.
Lúc đầu, Nguyên Trừng học Nho. Năm Trừng 14 tuổi một hôm, hai ông
cháu ngồi nói chuyện với nhau. Ông bảo:
- Biển học mênh mông và Nho đạo chỉ là một phần nhỏ trong cái biển
mênh mông sâu thẳm đó.