Không hiểu sao, tay ông lại có sẵn một con dao, ông cũng dùng hết sức
đâm vào cái bóng ma già nua. gầy guộc của Nghệ Hoàng. Ông đâm liên
hồi, còn những móng vuốt của Nghệ Tôn cũng siết chặt thêm, hình như một
chiếc vuốt sắc móc cả vào tận trái tim ông. Máu của cả hai bên ồ ồ chảy ra,
nhấn chìm cả Quý Ly và Nghệ Tôn xuống cái ao mầu đỏ. Quý Ly đau một
cái đau khủng khiếp, điếng dại cả tâm hồn. Ông ú ớ, rồi thét lên, gào lên
như muốn phá tan lồng ngực và cả khối óc nữa, cho cái đau tan loãng đi.”
Tiếng hét ấy làm ông tỉnh giấc. người lạnh toát, quần áo ướt sũng.
***
Cũng như những đêm mất ngủ khác, Quý Ly triền miên trôi theo những
dòng suy nghĩ...
Năm Nhâm Thân (1392) thái sư hoàn thành cuốn sách Minh Đạo. Cái đạo
sáng, đó là ước mơ cả đời của ông. Dù bận việc triều chính, hằng đêm, ông
vẫn chong đèn nghiền ngẫm viết nên cuốn sách tâm huyết đó. Một cuốn
sách táo tợn! Ông phê phán Khổng Tử đã đến yết kiến nàng Nam Tử, vợ
vua Vệ Linh Công, một người đàn bà tà dâm. Ông chê sự kém minh mẫn
của ngài, khi Công Sơn Phất Nhiễu. Công Sơn Phất Hất đều là những kẻ
tầm thường, kém tư cách, thế mà Khổng Tử đã có lúc muốn thờ làm chúa.
Rồi thái sư lại phê phán cả Chu, Trình hai bậc đại nho thời Tống, hai người
dựng nên lý học. Họ là những con người viển vông, không nghĩ đến việc
đời. Có thể họ giỏi đấy, học rộng đấy nhưng chẳng có lợi gì cho dân Đại
Việt chúng ta cả. Ông ca ngợi vua Trần Minh Tông, khi hai nhà nho nổi
tiếng là Lê Quát và Phạm Sư Mạnh khuyên vua sửa đổi việc nước theo
khuôn mẫu lễ giáo của Trung Hoa. Vua Minh Tông bảo: “Nhà nước ta đã
có phép tắc nhất định. Nam, Bắc khác nhau. Nếu theo kế của kẻ học trò mạt
tráng cố tìm đường tiến thân thì sinh loạn to ngay”.
Lúc đó Thượng Hoàng Nghệ Tôn đọc xong cuốn Minh Đạo liền ban tờ
chiếu khen ngợi:
- Ta trộm nghĩ: đúng là Nam Bắc mỗi phương một khác.
Như tiên ta khi xưa, đức Trần Nhân Tôn hai lần đánh tan giặc Nguyên, uy
danh lừng lẫy; vậy mà vẫn không quên tục lệ xăm vẽ hình giao long trên