những người làm nên sự đổi đời, họ sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn, họ là
những người anh hùng. Còn những người như Nguyên Trừng, những kẻ
thông minh, có thừa nhiệt huyết để làm anh hùng mà chẳng chịu làm; mỗi
bước họ đi đều suy ngẫm đắn đo, họ bị sự nghi ngờ vò xé. Chính những
người như vậy ông rất thích; bởi vì họ có thể là lỗi lạc; bởi vì đấu tranh với
họ, vật lộn với họ, đối thoại với họ, tức tự vật lộn, đối thoại với chính mình.
Sự đấu tranh ấy, sẽ xua tan nốt đi những ngờ vực bản thân, mà những tư
tưởng dù lớn thế nào vẫn có; sẽ bịt nốt những kẽ hở, thiếu sót, mà một bộ
óc phi phàm đến đâu cũng có thể mắc phải.
Tối hôm ấy, Quý Ly bãi bỏ cuộc nói chuyện với ba người. Sáng hôm sau,
ông gọi riêng Nguyên Trừng đến:
- Cha thấy không cần hỏi ý kiến Hán Thương và Nguyễn Cẩn, chỉ muốn hỏi
ý riêng của con về cuốn Minh Đạo.
Nguyên Trừng nói:
- Con nghĩ cuốn sách hay là cuốn sách có nhiều điều đáng bàn. Minh Đạo
của cha như vậy. Chính cha là người nước Nam đầu tiên đã dám xem xét lại
đức Khổng Phu Tử. Đức Khổng là mặt trời đạo Nho. Mặt trời còn đem ra
bàn luận, chắc sách của cha cũng nên đem ra bàn luận.
- Con nói rõ ý thực ra sao?
- Sách của cha chẳng qua là một biến pháp.
- Tốt hay xấu?
- Quản Trọng làm biến pháp. Tử Lộ, Tử Cống chê, nhưng đức Khổng Tử
lại khen hết lời, bởi vì họ Quản đem lại văn hiến cho đời. Thương Ưởng,
Lý Tư làm biến pháp cũng có phần thành công, nhưng thiên hạ đời sau
nhiều người chê, vì đem lại cho dân lành nhiều điều ai oán.
- Ta khác họ Thương họ Lý chứ. Ta đâu có đốt sách chôn nho. Ta làm sách,
khuyến hiền, đem việc học đến tận làng xã. Ta muốn làm văn hiến...
Nguyên Trừng tiếp:
- Minh Đạo của cha không câu nệ chữ Trung.
- Đúng. Quản Trọng không chết theo công tử Củ, trái lại còn thờ Tề Hoàn
Công là kẻ thù của Củ làm minh chủ.
- Quyển sách của cha bàn về sự đổi thay, nhưng là sự đổi thay cực nhanh.