Nguyễn Xuân Khánh
Hồ Quý Ly
Chương 2
Chỉ riêng Đoàn Xuân Lôi, trợ giáo Quốc Tử Giám, phản đối cuốn Minh
Đạo của Hồ Quý Ly kịch liệt nhất. Ông viết hẳn một lá thư dài, dâng vua để
phản đối cuốn sách đó.
Ông là người kiên trì đạo Khổng hiếm thấy. Từ trẻ đi học đã nổi tiếng liêm
chính ngay thẳng, đói sạch rách thơm. Mọi thứ với ông đều phải hài hoà
nghiêm chỉnh. Nhà ở thì cửa phải chính giữa không được sai một phân. Cửa
sổ phải cân đối, đều đặn ở hai bên. Nhà lệch lạc không ở. Bát không sạch
không ăn, áo bẩn không mặc. Nét mặt ông bao giờ cũng nghiêm trang, ăn
nói từ tốn, chọn từng chữ để nói. Vua Nghệ Tôn có một người thày đàn rất
giỏi, biết xử dụng mọi thứ nhạc cụ một cách tinh vi. Nghệ Hoàng rất yêu
quý; người thầy đàn thường được gọi vào cung đánh đàn cho vua nghe.
Một bận Đoàn được Nghệ Hoàng triệu tập. Ông vào cung Thánh Từ, lúc đi
qua khu nhạc đường là nơi tập luyện ca múa của cung nữ. Ông chợt nghe
thấy một điệu hát nỉ non ai oán. Nhìn vào thấy người thày đàn đang dạy các
cô cung nữ múa hát một điệu Chiêm Thành. Ông bèn về viết bản tấu về lễ
nhạc, quyết gìn giữ sự trong sạch của cung cấm, không cho phép thứ nhạc
sầu thảm ấy được lọt vào tai thiên tử:
Thiên tử là bậc tôn quý. Cung vua là nơi ngự trị thái hoà. Bất cứ một điều
gì làm hại đến sự hài hoà của nơi tôn nghiêm đều phải loại bỏ. Kìa, xem
nhu trên nóc điện Đại Minh, rồng chầu còn phải có đôi mà vầng nhật
nguyệt biểu tượng cho bậc thánh thiên tử thì phải nằm ngay chính giữa.
Thần trộm nghĩ: tiếng nhạc ai oán ấy là một điều xộc xệch. Xưa kia, Lý
Cao Tông nghe gẩy đàn Bà Lỗ, nhạc Chiêm Thành mà nhà Lý mất ngôi.
Gần đây Dương Nhật Lễ vì biến cung đình thành một chốn hát xuống nên
đất nuộc ta phải trải qua một thời nghiêng ngả...
Nghệ Hoàng tiếc tài người thày đàn, không nỡ loại bỏ. Xuân Lôi dâng biểu
ba lần, cuối cùng người thày đàn buộc phải trở về nơi quê cũ vùng núi Lạn
Kha. Những năm vừa qua, giặc Chiêm Thành liên tục ra đánh phá Đại Việt,