hề hay biết. Ông đến nhà Sử, bảo vợ con ông ta tự tay nấu cho ông những
vò rượu Mơ ngon nhất. Và cứ cách vài ngày, chờ lúc Sử viết xong vài chục
trang giấy, ông lại mang rượu thịt vào đánh chén với người tử tù.
Hôm ấy, ông già viết sử có vẻ hứng thú đặc biệt. Đôi mắt sáng quắc của
ông ta hình như được tiếp thêm lửa. Chúng long lanh roi rói như biết cười.
Ông đi đi lại lại trong phòng giam, miệng đọc bài thơ “Dựng bia” (Lập bi)
của Bạch Cư Dị:
Công đức đã sút kém
Văn chương cũng dần suy
Vẫn lấy đá trong núi
Bên đường dựng thành bia...
Khoe tài là Thái Công
Khoe đức là Khổng Ni
Càng nói nhiều càng đắt
Nghìn chữ vạn đồng thuê...
- Ha ha ha ha! Sử Văn Hoa chợt dừng đọc, cười khoái trá. Đúng lúc ấy,
viên cai ngục mở cửa buồng giam, bước vào.
- Kìa quan bác! Sao đúng lúc thế? Thật là khéo! Đúng khi tôi thèm uống
rượu, bác lại mang rượu vào.
Viên cai ngục:
- Hôm nay mua được chiếc vó bò. Thấy bác ngâm thơ, chắc là viết được
một đoạn văn thú vị, nên đánh bạo mang rượu vào mừng bác. Món tương
này bà vợ tôi làm đấy. Tương ngô ngọt lịm, hoà với nhánh gừng đập giập,
ăn với vó bò thật tuyệt.
Hai ông già xếp bằng tròn trên nền nhà tù ngồi nhắm rượu. Sử tâm sự:
- Kẻ hàn sĩ thật khổ nhục. Tài đến như Bạch Cư Dị vẫn phải viết văn bia
kiếm sống. Nhà quyền quý giầu có thuê ông viết kể lể công đức rồi đục đá
thành bia để khoe với ngàn đời sau. Các nhà viết văn bia đều đế họ lên, rồi
biến ông quan nào cũng đều có tài như Khương Tử Nha và có đức như
Khổng Phu Tử. Đêm qua, tôi mơ thấy Bạch Cư Dị đến trong mộng, đọc cho
tôi nghe bài thơ “Dựng bia”. Quái lạ! Nghe xong tôi giật mình tỉnh dậy và
toát mồ hôi lạnh. Tôi sợ bác ạ...