- Làm sao bác sợ?
- Chắc bác hiểu đấy! Tôi sợ mình yếu lòng. Mà lòng ai chẳng yếu... Biết
đâu đấy sẽ có lúc tôi cũng chỉ là một kẻ viết văn bia...
- Đấy là bác lo xa.
- Phải lo xa chứ bác. Người ta... ai chẳng có thê nhi.
- Tôi có là tôi nữa không khi người ta bắt nốt vợ con tôi... Tôi thử hỏi lúc
đó tôi có trở thành kẻ đi viết văn bia kia không... Vì vậy cả đêm tôi đã
nghĩ... Bác là người tri âm. Một lạy này, tôi xin nhờ cậy bác...
- Kìa, bác chớ làm thế... - Viên cai ngục đỡ lấy hai tay vái lạy của Sử Văn
Hoa - Bác cứ yên lòng, tôi sẽ xin hết sức giúp bác.
- Có thể tôi sẽ chết. Nhưng tôi chỉ có thể yên tâm nhắm mạt khi vợ con tôi
được yên lành. Ngày mai, nhờ bác đến gặp vợ con tôi bảo hãy trốn khỏi nhà
- Hãy trốn lúc ban đêm... Trốn thật xa... Mai danh ẩn tích...
Tại sao Sử Văn Hoa lại hối hả như vậy? Tại sao Sử Văn Hoa lại lo lắng như
vậy, thậm chí phải nghĩ đến cả kế vẹn toàn, mai danh ẩn tích cho vợ con
sau này. Câu hỏi thứ nhất về sự hối hả như ta biết, do Sử nghĩ rằng thái sư
sẽ chẳng tha ông; đã bao nhiêu cuộc thanh trừng xảy ra, chắc chắn ông phải
hiểu số phận của mình. Vì hiểu số phận còn ngắn ngủi, nên ông phải tìm
một cách viết thích hợp. Ông không thể viết theo trình tự thời gian, không
thể tỉ mỉ gọt dũa câu văn. không thể chùng chình ở những câu chuyện trên
trời dưới biển. Ông tổng kết, chọn lựa trong diễn biến lịch sử, tìm ra những
vấn đề, những sự việc, những nhân vật mà ông coi là quan trọng, mấu chốt,
rồi viết theo những chủ đề ấy. Có những ngày ông viết về một đời vua. Rồi
ngày khác lại viết về một nhân vật. Có khi suốt vài chục trang giấy chỉ là
ghi chép, thống kê về một năm nào đó. Ví dụ ghi chép chung quanh cái tết
năm Canh Ngọ (1390), lúc Phạm Sư Ôn chiếm Thăng Long ba ngày, và
Chế Bồng Nga đồng thời mang quân uy hiếp kinh đô, để rồi dẫn tới chiến
công hiển hách của Trần Khát Chân.
Một đoạn viết đắc ý của ông là đoạn viết về vua Trần Nhân Tông. Ngọn bút
lông của ông đã háo hức muốn viết về ông vua hiếm có ấy từ bao lâu nay.
Một ngôi sao sáng nhất trong bầu trời lịch sử Đại Việt. Một ông vua văn võ
kiêm toàn: võ - thì hai lần đánh tan giặc Nguyên; văn - thì làm văn hiến Đại