Việt rực sáng, người tài mọc lên nhiều như sao sa, lại sáng lập ra Thiền
phái Trúc Lâm. Người đời bảo rằng Trần Nhân Tôn là hoá thân của Phật tổ,
đã đầu thai xuống trần đem lại cho dân Việt những giây phút hào hùng và
một cuộc sống thịnh trị hoà mục. Một số nhà nho cạn nghĩ, vì bài bổ Phật
giáo, vì cho rằng vua đi tu không phải một ông vua sáng; họ không dám dè
bỉu vua, nhưng lại tìm hết cách để làm lu mờ cái ánh sáng hiền minh rực rỡ
của đức Trần Nhân Tôn. Đó là một đức vua văn hiến; một nước Đại Việt có
được tồn tại sánh vai được với thiên hạ hay không, ngoài chiến công hiển
hách, còn phải có Văn hiến. Không Văn hiến, dân Nam ta sẽ chỉ còn là một
bộ tộc dã man mông muội. Dưới thời đức Nhân Tôn, quyển sử Việt Nam
đầu tiên được ra đời. Văn Hoa là người chép sử nên ông hiểu ý nghĩa của
một quyển sử, nhất là quyển sử đầu tiên của nước nhà. Một khi quyển sử
đầu tiên ra đời, tức là cái hồn của dân Việt đã được định hình rõ nét. Rồi
còn sáng lập ra Thiền phái Trúc Lâm nữa, nó là thiền phái Đại Việt. Thật
cạn nghĩ khi ghép hết cả chiến công đánh giặc cho Trần Hưng Đạo. Đánh
giặc: công lớn nhất là của toàn dân. Có ông vua hiền, có hội nghị Diên
Hồng và Bình Than thì mới được lòng dân. Vả lại, phải nhớ tới câu: vua
nào tôi ấy. Phải nói vua Nhân Tôn là người đạo đức mới dám đủ gan dùng
Trần Hưng Đạo, vốn là con Trần Liễu, kẻ kình địch với ông, cha mình, làm
đại tướng thống lĩnh ba quân. Và cái tâm của Trần Nhân Tôn phải đại trí,
đại từ, đại bi thế nào mới thu phục nổi cái tâm của Trần Hưng Đạo, vốn là
một anh hùng kiệt hiệt một thời... Điều mà Sử Văn Hoa muốn nói lên nhiều
nhất: đó là đức vua Nhân Tôn chính là người đã điều hoà được âm dương,
vì người có tầm nhìn rộng lớn. Núi sông cũng có âm dương; một đất nước
cũng có âm dương: Phật giáo và Nho giáo Phật giáo là phần âm của hồn
dân Việt. Đạo Phật giữ phần linh thiêng, phần chìm, phần lặng lẽ và thâm
thuý của núi sông. Đã bao đời nay, nó vẫn ngân nga trong tiếng chuông
chùa làng, lẩn khuất trong đầu ngọn tre, dưới mái rạ, để xoa dịu, nâng đỡ
hồn người dân quê trong những lúc nhiễu nhương loạn lạc, trong những
năm lụt hạn đói khát, đem lại cho người dân ta sức chịu đựng dẻo dai để
chờ đến buổi bình minh sẽ tới. Còn Nho giáo, phần dương của núi sông; đó
là phép tắc, lễ giáo, đó là cương cường xông pha, đó là mở núi lấp biển, đó