hình đẹp đẽ, và đặc biệt là những mớ tóc.
Những câu chuyện ghê rợn, nhưng quyến rũ lòng người, đã đọng lại trong
mớ tóc đen láy mượt mà và thơm ngai ngái, để cuối cùng mỗi đêm nó lại
xoà kín đôi vai tôi, che kín lên mình tôi, để những sợi tóc đã gắn kết tình tôi
lại với nàng.
- Chúng mình giống nhau - Quỳnh Hoa vẫn thường nói vào tai tôi như vậy.
Còn tôi thì sung sướng:
- Cám ơn trời đã cho ta người ngọc!
Ở đất kinh kỳ, người ta vẫn bảo Quỳnh Hoa là người ngọc. Nàng đẹp một
cái đẹp mong manh. Nàng trắng muốt, thon thả như một nhành hoa. Đôi
mắt lóng lánh, cái mũi xinh xinh, đôi môi đỏ chót, cổ cao và trắng; nhưng
đẹp nhất vẫn là mớ tóc vừa đen, vừa mượt, vừa dài của nàng, đó là sức
sống của nàng, là hồn của nàng, cái hồn dịu dàng toả ra từ mớ tóc mà ai
mới nhìn cũng nhận thấy ngay. Quỳnh Hoa dịu dàng, một sự dịu dàng quá
đỗi đến mức nó chuyển thành thói u sầu. Lấy được nàng tức là chiếm được
một vưu vật hiếm có ở đời. Nhiều công tử con nhà đại gia ở đất Thăng
Long đã ngấp nghé, chỉ riêng tôi là kẻ may mắn nhất.
Quỳnh Hoa quá u sầu. Đó là sức mạnh và sức hút của nàng. Nỗi u sầu như
thứ rượu cất bằng ngàn thứ nhuỵ hoa, để cho những kẻ đa tình say sưa,
huyễn tưởng đi tìm thực trong ảo, muốn ngây ngất tận hưởng, thậm chí tìm
đến cái man dại của loài hoa rừng không tên, mà một thứ rắn đêm nào đó
đã lén lút nhả nọc độc vào lúc bình minh còn ngái ngủ.
Vợ chồng tôi đắm say như nhau vậy đó.
- Mình ơi! Có phải chúng mình giống nhau không nhỉ?
Đêm đêm, Quỳnh Hoa thường úp mặt vào ngực tôi mà nói như vậy. Câu
nói của kẻ hạnh phúc, nhưng không hiểu sao tôi vẫn cảm thấy âm sắc
hoảng hốt phập phồng nào đó. Có phải vì chúng tôi là những con mồi, có
phải vì chúng tôi đều muốn tách ra khỏi những áp lực đương vây quanh.
Có những lúc chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, tưởng chừng những áp lực ấy
vì chúng tôi mà được dãn ra. Có vẻ như vậy, từ khi chúng tôi lấy nhau, sự
xung đột giữa Thái bảo Trần Nguyên Hàng, cha nàng, và Thái sư Lê Quý
Ly, cha tôi, đã bớt hẳn căng thẳng. Xưa kia, quan Thái Bảo luôn bắt bẻ cha