thoả lòng?
Từ đó, nàng đóng chặt cửa, không giao tiếp, để chờ ngày đứa con chào đời.
Quỳnh Hoa không bao giờ thèm nghe những chuyện triều chính nữa. Cấm
ngặt? Thậm chí kẻ tôi tớ cũng không được phép mang những chuyện ngoài
đường vào trong nhà. Bây giờ, đối với nàng, chỉ còn những cuộc dạo chơi
bên hồ sen, trên đường hoè, dưới gốc hoàng lan, trong vườn hoa thuốc...
Tuyệt nhiên nàng không về thăm quan thái bảo, cũng không đi thăm vấn
sức khỏe cha tôi, lấy cớ: vì nàng quá ốm yếu. Bà thái bảo gửi nhung, cha
tôi cho sâm, nàng cũng chỉ viết giấy tạ ơn. Tôi biết Quỳnh Hoa đang trốn
chạy tất cả, vứt bỏ tất cả, ghê tởm tất cả, để sống trọn vẹn với niềm vui
riêng.
Nhưng thương thay?
Nàng lâm bồn hết sức khó khăn.
Nàng mảnh dẻ quá. Cơn đau đẻ kéo dài suốt hai ngày đêm. Cả ông tôi, cả
những danh y tài giỏi nhất kinh thành Thăng Long cũng không cứu được
đứa trẻ. Đứa con của chúng tôi đã chết. Trận băng huyết đã rút gần cạn kiệt
máu nàng. Nàng trắng xanh như tờ giấy. Đôi mắt đen của nàng rưng rưng
hạt lệ. Tôi ở bên Quỳnh Hoa suất ngày đêm. Tôi hỏi:
- Nàng ao ước điều gì?
- Bế thiếp lên đi!
Tôi nhẹ nhàng ôm lấy tấm thân mảnh dẻ ấy, cố truyền hơi ấm cho nàng.
Quỳnh Hoa bảo:
- Thiếp chỉ ao ước được gội đầu bằng lá chanh lá sả. Đám thị tì bưng nước
thơm lên. Và tự tay tôi, tôi khẽ khàng thả mớ tóc đen của nàng vào chậu
nước ấm. Chỉ còn mớ tóc của nàng vẫn đầy sự sống. Nó vẫn dài, vẫn đen
láy, vẫn mượt mà. Nàng lim dim con mắt để ngửi mùi nước thơm ngan
ngát. Cô thị tì lấy chiếc gáo bạc nhẹ nhàng đổ nước thơm lên đầu Quỳnh
Hoa. Tôi lấy chiếc lược ngà khe khẽ đưa vào mớ tóc. Được tẩm nước, mớ
tóc như được chải dầu càng bóng, càng mượt mà, càng mềm. Tôi nhìn vào
khuôn mặt hạnh phúc của nàng rồi khẽ mơn man làn da đầu, khẽ vuốt ve
vành tai xinh xắn, khẽ kì cọ chiếc cổ ngọc ngà.
Rồi tôi ngồi trên chiếc ghế cao, ẵm nàng, để thả mớ tóc mun dài xuống tấm