chới với gần như chết chìm trong một biển máu. Nàng giơ đôi tay tuyệt
vọng về phía tôi và kêu lên: “Chàng cứu em với”.
Hôm sau, tôi đến gặp Nguyễn Cẩn. Ông ta xác nhận Thanh Mai đã bị bắt.
Nàng đi đò dọc, ngược dòng sông Mã đến Tây Đô. Trên đường đi, nàng hỏi
thăm tin tức, đã gặp phải ngay một không khí ngột ngạt khó thở. Chẳng ai
nói với nàng một điều gì. Người ta chỉ ngạc nhiên nhìn nàng chòng chọc,
khi nàng nói đi tới Tây Đô. Và chằng ai nói một lời. Thậm chí, mọi người
còn lẩn tránh khỏi nàng như lánh xa một con hủi. Chỉ có một bà già đánh cá
lẻ loi trên sông, nhìn trước nhìn sau, không thấy ai, mới thì thầm một câu:
- Đừng đến Tây Đô. Nguy hiểm lắm!
Sau đó, những người phu kéo thuyền lên bờ, ra chợ mới biết. được tin tức.
Nhưng tin tức mơ hồ, vì Tây Đô đã bị bao vây, nội bất xuất, ngoại bất nhập.
Sự việc mới xẩy ra nên người ta chỉ biết ở đó triều đình đang có biến. Biến
gì? Ai nổi loạn? Ai thắng? Ai thua? Ai cầm đầu? Ai bị bắt? Ai bị giết?
Những câu hỏi cụ thể như thế, rất cần cho Thanh Mai, lại không ai biết cả.
Đám phu chèo thuyền nói:
- Chúng tôi chẳng đi thêm nữa. Người ta bảo ở đó loạn to. Hàng trăm người
chết. Bà chủ cũng nên quay trở về Thăng Long.
Lòng Thanh Mai bấn lên như mớ chỉ rối. Nguyên Trừng có sao không?
Thượng tướng Trần Khát Chân có hề gì không? Nàng có hai người thân lại
đứng về hai phe đối nghịch. Tình hình thế này chắc đại biến. Có thể phe
của nghĩa phụ đã làm chính biến. Trong cuộc biến này, dù ai thắng, nàng
cũng là người đau khổ. Mà họ toàn là những con người trọng yếu, chắc
chắn phe thắng thế không thể tha. Thanh Mai nghĩ trắng một đêm rồi quyết
định một mình đi tới Tây Đô. Đò, không ai chịu chở; cáng không ai chịu
khiêng; Thanh Mai bèn mua một con ngựa thồ và một bộ yên cương, nàng
đi ngựa nhằm thẳng hướng Tây Đô. Gần đến kinh đô mới, nàng bị một toán
lính giữ lại. Họ dẫn nàng đến gặp quan trên. May mắn, người nàng gặp
hôm ấy lại là Nguyễn Cẩn. Cẩn thốt lên kinh ngạc:
- Kìa Thanh Mai? Nàng đến đây làm gì?
Câu hỏi đầu tiên của nàng:
- Đức ông Nguyên Trừng có sao không?