- Bây giờ con đã hiểu tại sao cha không thích những bức tranh này. Con
hiểu cái chí của cha. Cha muốn một cuộc đổi đời, một cuộc đảo lộn trời
long đất lở ở xứ sở này. Bởi vậy, cha không thể như bốn vị tứ phụ này, đem
thân phò tá bốn ông vua trẻ thơ. Trung thành như Chu Công Khuông phò
Chu Võ Vương có thể còn được; chứ đến như Khổng Minh phò Lưu Triệu,
Tô Hiến Thành phò Lý Cao Tôn là hai ông vua trẻ con ngu độn, trong lúc
triều chính mục ruỗng, thật là ngu trung. Nghệ Hoàng không hiểu cha,
không hiểu thời thế...
- Con nói đúng - Mặt cha tôi rạng rỡ - Phải nói, ông ta thật đáng thương...
Nhưng biết làm sao được... Ông ta khóc, nắm tay cha và dặn dò hãy
khuông phò ấu chúa... rằng nếu xét thấy ấu chúa tối tăm ngu dốt, lúc đó cứ
việc nắm lấy ngôi vua... Ôi! Thật nực cười. Việc thịnh suy của cả một đất
nước lại giải quyết bằng một sự mủi lòng như vậy sao?... Ông ta làm cha
vừa thương, vừa bực bội, vừa khó nói... Cha không muốn nói dối một
người sắp chết, nhưng cuối cùng cha đã phải nói dối. Ôi! thật bực bội, ông
ta ngớ ngẩn và cũng đẩy cha vào chỗ ngớ ngẩn. Này, nếu cha rơi vào địa vị
ông ta, cha sẽ cắn răng lại, lạnh lùng mà chết. Hừ! Lại còn hai chữ thoán
nghịch nữa chứ. Đâu đâu người ta cũng xì xào hai chữ đó. Cứ như thể một
con ngáo ộp, một vị hung thần để bó tay ta lại.
- Thưa cha, con nghĩ đó không phải điều đáng sợ. Nhà Trần đã mục ruỗng.
Giặc giã loạn lạc tứ tung. Dân đói khổ. Ai cũng muốn nổi loạn nhưng
chẳng ai dám nói. Bọn tôn thất, bọn quan lại cũng đã dự cảm thấy ngày tận
cùng của triều Trần, nên chúng tranh thủ vơ vét. Vậy đấy sự đổi đời là điều
không thể tránh khỏi. Vả lại, việc thoán nghịch vốn lẽ tự nhiên. Chính nhà
Trần lên ngôi vua cũng nhờ vào việc thoán nghịch. Nhà Trần cướp ngôi nhà
Lý, máu phải chảy thành sông... Có sao đâu. Sau đó, oán đã thành ân. Con
nghĩ đó mới là điều ta đáng suy nghĩ và lo lắng.