Những ngón tay thon dài lướt qua vầng trán vương đầy máu nóng của cậu
thiếu niên mười bảy bỏng rát. Dưới ánh trăng biển, gương mặt cô cũng tỏa
ra ánh sáng khiến người ta chói mắt.
“Hoa nở khuyên người nhanh tay hái, đừng chờ hoa hết bẻ cành không.”
Tư Vọng khẽ lẩm nhẩm hai câu ấy, khiến cô nhớ lại một đêm xuân đầy đom
đóm năm 1995, cô sánh vai dạo bước cùng thầy Thân Minh trên cánh đồng
hoang đường Nam Minh, cũng khẽ khàng đọc “Áo kim tuyến” của Đỗ Thu
Nương. Khi ấy, Âu Dương Tiểu Chi cả ngày mặt ủ mày chau, trong trường
lại rộ lên tin đồn mới, giờ nghỉ trưa nữ sinh rỉ tai nhau, nam sinh ăn cơm
trong nhà ăn cũng nghe thấy - rằng bố của Âu Dương Tiểu Chi không phải
liệt sĩ gì cả, năm đó trong trận đánh trên vùng rừng núi, ông ta đào ngũ, bị
sư trưởng dùng súng bắn chết, danh hiệu liệt sĩ chẳng qua là dùng tiền mua
được. Còn mẹ cô là bà góa thường xuyên ra ngoài quyến rũ đàn ông...
Tiểu Chi vốn không phải đứa trẻ mồm mép, rất ít khi tám chuyện lăng
nhăng, “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết”. Cho dù cô có lấy chứng
nhận liệt sĩ của bố cô ra cho họ xem cũng sẽ bị cho là đồ giả. Trừ bạn cùng
bàn Liễu Mạn, trong lớp chẳng có nữ sinh nào chịu chơi với cô, nam sinh
thì vẫn thường xuyên giúp đỡ lấy lòng cô, nhưng phản ứng của cô lạnh nhạt
vẫn hoàn lạnh nhạt.
Ban đầu cô cũng là học sinh của một trường cấp 3 trọng điểm trong thành
phố, nhưng môi trường đô thị phức tạp, thường xuyên có những gã lưu
manh trẻ tuổi đứng ở cổng trường đợi cô, thậm chí đánh nhau vì cô. Trường
học trở thành chốn thị phi, phụ huynh phản ánh bất bình, muốn nữ sinh này
nhanh chóng chuyển đi, trong đó có một vị là lãnh đạo thành phố. Trường
học phải chịu áp lực đáp ứng những yêu cầu quá đáng này, Tiểu Chi bị sắp
xếp cho chuyển đến trường cấp 3 Nam Minh ở khu ngoại ô heo hút, đến
đây cô mới có thể trốn xa khỏi lũ lưu manh ở trung tâm thành phố. Xung
quanh một nữ sinh xinh đẹp bao giờ cũng đầy những lời ong tiếng ve, lời ra
tiếng vào, cứ như mật ít mà ruồi thì nhiều vậy, những lời ấy đã trở thành sự
bôi nhọ sỉ nhục, mưa dầm thấm lâu, giả cũng thành thật.