được sáng hôm nay. Bà gác cổng không biết gì cả. Trong nhà không có lấy
một dấu vết, không có một vật gì có thể nghi vấn để tìm ra dấu vết cả. Quần
áo, giày dép đều mua ở Paris cả. Những tấm ảnh Epinal đều mua của các
cửa hiệu sách cũ.
— Ông Beaupere đã hỏi ông già lang thang nhưng cũng không biết gì
hơn.
Họ đi ăn. Lucas về nhà còn ông Giám đốc tới một quán ăn ở Quảng
trường Dauphine gần cơ quan.
Trong khi chờ đợi người ta giao cho mình việc khác, thì ông Beaupere
làm việc theo cách của mình. Đây là một con người bận rộn, muốn thấy rõ
toàn bộ vấn đề trước khi đi sâu vào từng vấn đề cụ thể. Ông đã học tập và
rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ nghiệp vụ của mình. Ông đã vã mồ
hôi trán, và cả mồ hôi chân nữa, để gia đình và khu phố biết ông là con
người như thế nào.
Từ câu chuyện của ông già sáng hôm nay, ông chỉ lưu ý một chi tiết: ông
Bouvet đã tới Quảng trường Vosges để nhìn ngôi nhà ở góc phố Francs
Bourgeois.
Bà gác cổng ở đây không giống như bà gác cổng ở phố Toumelle. Đây là
một bà già mang kính mắt, mặc bộ đồ lụa màu đen, vẻ mặt cau có.
Ông đưa tấm thẻ cảnh sát ra.
— Tôi không hiểu ông quan tâm đến cái gì trong ngôi nhà này?
— Bà có biết ông Bouvet không?
— Tôi chưa từng nghe nói đến ông ta.
— Còn ông Marsh thì sao?
— Ở chỗ chúng tôi chỉ có ông Marchal, trên lầu bốn, đã sống hai mươi
nhăm năm ở đây và có cô con gái lấy chồng tuần lễ trước.
Ông Beaupere sử dụng bức ảnh của anh sinh viên người Mỹ in trên báo.
— Bà đã nhìn thấy người này bao giờ chưa?
Bà gác cổng nhìn chăm chú, thay cả kính mắt nữa, rồi lắc đầu.
— Trong nhà có nhiều người thuê nhà không?
— Ba mươi hai hộ. Nhưng hầu hết đã đi nghỉ rồi.
— Trong nhà có bà già nào vận đồ đen không?