trang sức ra. Bà cũng không khóc nữa. Bà không nói điều gì khiến cho cuộc
gặp trở nên nặng nề và bà vẫn tỏ ra vui vẻ như bầu không khí của Paris.
— Liệu tôi có thể... nhìn anh trai tôi lần cuối không?
— Tôi đang tự hỏi ông ta còn ở Phòng Căn cước không.
— Người ta đã mang thi hài của anh ấy đi khỏi căn hộ ấy ư?
Bà ta có vẻ như thách đố, giọng nói có vẻ trách móc.
— Chúng tôi buộc phải làm như vậy. Bà có biết đêm hôm trước có người
lọt vào căn hộ của ông ta không?
— Ai vậy?
— Chúng tôi không có ý kiến gì về việc này. Dù sao kẻ ấy cũng đã lục
soát một cách tỉ mỉ, chính hắn đã tìm ra những đồng tiền vàng trong nệm
giường.
— Hắn không lấy đi ư?
— Hắn ra đi mà không mang theo gì cả và đó là điều làm chúng tôi bối
rối. Bà gác cổng, người giúp ông ta trong công việc nội trợ, đã bị thẩm vấn
ba lần. Bà ta biết rõ mọi thứ trong căn hộ ấy. Bà ta nhớ tới mức có thể gọi
tên mọi đồ vật trong nhà. Bà ta nhớ rằng mình chưa hề nhìn thấy một mảnh
giấy nào. Việc ông Bouvet không có giấy tờ đó là khía cạnh đặc biệt của vụ
này.
Tại sao bà ta lại mỉm cười một lần nữa?
— Người đàn ông bảy mươi sáu tuổi ấy không có giấy tờ gì ngoài tấm
thẻ chứng minh mang tên mình mà lúc này chúng ta biết không phải là tên
thật.
— Anh trai tôi bao giờ cũng vậy. Anh ấy là người không thích giấy tờ.
Chúng tôi có một cuốn album của gia đình mà mẹ tôi thường xuyên bổ sung
và giữ gìn cẩn thận. Năm mười lăm tuổi, thấy việc làm của mẹ, anh ấy đã
giận dữ kêu lên: “Tại sao lại giữ cả một nghĩa địa ở trong tủ? Những người
chết ở các trang đầu! Rồi đến những người còn sống nhưng cũng sắp chết,
Những người khác thì đến một ngày nào đó...”.
— Bà có cho rằng ông ta sợ chết không?
— Vào năm mười lăm tuổi, đúng thế. Cả tôi cũng vậy, vào cái tuổi ấy,
đôi khi người ta sợ cái chết đến mức đêm đến không thể nào chợp mắt