— Anh tin chắc chứ?... Vào năm nào?... 1897 ư?... Trời!... Hãy lục tìm
trong kho hồ sơ xem sao... Sau đó đưa tài liệu cho tôi...
Khi gác máy, ông Guillaume nhìn người thanh tra bằng cặp mắt ranh
mãnh:
— Trên kia họ đang làm công việc thường ngày của họ vì họ không hiểu
đây là chuyện gì. Vì người ta đã đưa đến cho Phòng Căn cước một xác
người, họ phải làm những thủ tục cần thiết. Việc lấy dấu vân tay đang phát
huy tác dụng của nó.
— Tờ phiếu của ông ta có trong hồ sơ của chúng ta từ năm 1897. Đây là
loại hồ sơ lâu đời nhất và rất có thể trong đó có dấu vân tay của ông ta.
Họ không phải chờ đợi lâu, một nhân viên đã mang tới tấm thẻ có ba dấu
vân tay. Ông Giám đốc úp tấm thẻ xuống để đọc mặt sau.
V
ụ Mancelli ngày hai mươi tám, tháng hai, năm 1897. Những dấu vân
tay lấy từ con dao dùng vào việc giết người. Hung khí đã nộp cho Toà án.
Không một người nào trong cơ quan biết vụ Mancelli. Những người biết
thì đã qua đời hoặc nghỉ hưu rồi.
Người ta đã không dùng tấm phiếu kiểu này từ lâu rồi, ngày xưa người
ta đã làm và giao nộp nó cho Phòng Căn cước.
Chuông điện thoại lại reo vang.
— Alô. Phải... Anh tin chắc chứ?... Xin cảm ơn anh...
— Đáng tiếc - Ông Giám đốc nói với Lucas. - Còn một tập hồ sơ về
Mancelli, nhưng ở đấy người ta không tìm thấy nó.
— Tôi sẽ cử một người nào đó đến Toà án.
— Họ sẽ phải mất tám ngày để lục lọi trong kho hồ sơ! Tôi thấy anh có
thể làm nhanh hơn bằng cách tìm trong các tập báo hàng ngày cũ.
Và bất chợt ông mỉm cười.
— Tôi đang tự hỏi không hiểu các bà già đang đón tiếp nhau như thế
nào. Chắc hẳn bà Lair đang ở phố Toumelle, vui mừng vì sắp được nhìn
thấy mặt người anh trai, không biết ông ta đã để lại dấu vân tay trên con dao
giết người.