hai cường quốc này cùng chia sẻ quan điểm chung, nhận thức chung. Ông
thường nói dông dài khi thảo luận các vấn đề nội bộ nhưng lại rất ít khi làm
như vậy khi trình bày chính sách đối ngoại.
Ví dụ điển hình là ông độc thoại trước Tổng thống Bush vào tháng
7/1991, dẫn đến việc Tổng thống Mỹ nảy sinh băn khoăn trước cách đánh
giá tình hình thực tế của Mikhail Sergeevich. Ông bị mệt lử trước áp lực
trong nước ở giai đoạn 1990–1991, nhưng ông đã thay đổi hoàn toàn khi
chuyển sang chính sách đối ngoại. Thời gian ông nghiêng về phái hữu, từ
tháng 10/1990 đến tháng 3/1991, ông vẫn là người cấp tiến trong hoạt động
đối ngoại. Trên thực tế, ông bị chỉ trích là dành quá nhiều thời gian và công
sức cho các hoạt động đối ngoại tại những thời điểm khủng hoảng.
Thế giới bên ngoài ca ngợi ông vì ông cũng mong muốn như vậy: hòa
bình trong thời đại của chúng ta. Ông là một vị anh hùng ở Đức bởi ông
nhất trí ủng hộ kế hoạch tái thống nhất nước Đức. Ông cho phép Đông Âu
chọn con đường phát triển của chính họ. Về một khía cạnh khác, ông đã làm
suy yếu vị trí cường quốc của Liên bang Xô viết. Ông thật sự không có sự
lựa chọn nào khác vì chính sự suy yếu của hệ thống Liên bang Xô viết đã đi
đến giai đoạn cuối.
GORBACHEV LÃNH ĐẠO NHÓM MÌNH RA SAO?
Không nhà lãnh đạo nào có thể thành công mà không nhờ đến nhóm
cộng sự ăn ý với mình. Lúc đầu, Gorbachev phải tìm kiếm và sát cánh với
họ nhằm củng cố địa vị của mình. Ông phải kiến tạo một Bộ Chính trị chấp
nhận các sáng kiến chính sách của ông. Ligachev, Yakovlev, Yeltsin,
Ryzhkov và Shevardnadze tạo thành một ê-kíp gây ấn tượng mạnh. Cho đến
tháng 12/1990, toàn bộ ê-kíp này đã cãi cọ với Gorbachev. Gorbachev chưa
bao giờ để các đồng sự nắm hoàn toàn quyền kiểm soát về một lĩnh vực
chính sách nào đó. Ligachev và Yakovlev luôn tranh quyền kiểm soát
phương tiện thông tin đại chúng, sau đó Yakovlev chuyển sang phụ trách
các công việc đối ngoại, nhưng ở đây, ông này lại vấp phải Shevardnadze.