hay sao? Chuyện gì sẽ xảy ra nếu người dân Lithuania không chịu phản ứng
tích cực trước lệnh của ông?
Moskva không thể hiện chút cố gắng nào để suy xét xem hậu quả sẽ ra
sao trước khi họ sử dụng vũ lực. Kryuchkov cho rằng quyền lực tổng thống
sẽ được thiết lập, một thủ tướng bù nhìn và một chính phủ bù nhìn được
dựng lên, Lithuania lại quay về khuôn khổ Liên bang. Gorbachev có biết gì
về kịch bản này không? Đại hội Đại biểu Nhân dân thông qua một đạo luật
vào tháng 3/1990 thiết lập thể chế làm cơ sở cho Tổng thống Liên Xô có thể
viện đến các đặc quyền. Từ đó trở đi, về mặt lập pháp, quyền lực tổng thống
là một lựa chọn. Tổng thống Bush cảnh báo với Gorbachev nhiều lần về hậu
quả của việc sử dụng vũ lực trong các nước vùng Baltic. Gorbachev không
hề muốn có đổ máu ở Vilnius và cảm thấy choáng váng trước sự việc xảy
ra. Người ta có thể chỉ trích ông không chịu suy nghĩ đến hậu quả của bức
điện tín. Có chắc nó gây ra bạo lực không? Lại một lần nữa, ông phải chịu
trách nhiệm gián tiếp về thảm họa này. Yakovlev và những người khác
khuyên ông nên bay tới Vilnius, gặp Landsbergis, đặt vòng hoa tưởng niệm
những người đã bị giết và lên án cuộc trấn áp này. Ông từ chối làm việc đó.
Vụ đổ máu ở Riga còn dễ hiểu hơn nhiều. Một quan chức đương
nhiệm tiến hành đàn áp biểu tình bằng vũ lực mà không có lệnh trực tiếp từ
Moskva. Việc này cho thấy Tổng thống hoàn toàn mất quyền kiểm soát
công cụ cưỡng chế của mình ở Vilnius và Riga.
GORBACHEV − MỘT NHÀ CẢI CÁCH, MỘT NHÀ LÃNH
ĐẠO LỚN?
Gorbachev là một nhà cải cách lớn, một nhà lãnh đạo lớn? Chúng ta
cần xem xét vấn đề này trên ba khía cạnh: cá nhân Gorbachev, Liên bang
Xô viết và phương Tây. Liệu một nhà chính trị có thể vừa là nhà cải cách
lớn, vừa là nhà lãnh đạo lớn, nhưng kết cục lại không còn chỗ mà đi? Ông
tiến hành cải cách, muốn đưa Liên bang Xô viết thoát khỏi hệ thống đang
tồn tại. Xuất phát từ quan điểm cá nhân, ông thất bại vì chính những cải