Những bài học nào được rút ra từ cải cách của Trung Quốc dành cho
Liên bang Xô viết? Gorbachev có thể học hỏi và tiếp thu một số kinh
nghiệm cải cách này chăng? Những nhân vật nhiệt tình nhất trong việc ủng
hộ kiểu cải cách của Trung Quốc là viện sĩ Oleg Bogomolov, Giám đốc
Viện Kinh tế Hệ thống Xã hội Chủ nghĩa Thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học
Liên Xô. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về cải cách kinh tế vào
tháng 6/1987, ông đề xuất cải cách kinh tế nên bắt đầu từ nông nghiệp, như
đã tiến hành ở Trung Quốc. Gorbachev phản đối chủ trương cho người dân
thành thị thuê 800 nghìn trang trại bị bỏ hoang ở vùng không phải là đất đen
của nước Nga để khai khẩn. Một sắc lệnh được ban hành quy định chỉ cấp
600m² đất cho mỗi trang trại. Việc này làm cho toàn bộ hoạt động kinh
doanh không thể thực hiện được. Gorbachev quá lạm dụng quyền lực và rõ
ràng giới lãnh đạo chẳng ưa gì việc cho thuê đất này.
Aleksandr Yakovlev muốn áp dụng kinh tế theo hướng thị trường ở
nông thôn của Trung Quốc, nhưng Gorbachev bỏ ngoài tai đề xuất của ông.
Bogomolov ủng hộ việc bán cổ phần và trái phiếu cho công nhân, giống
Trung Quốc. Công nhân có thể mua các xí nghiệp làm ăn thua lỗ của nhà
nước và biến chúng thành các nhà máy hợp doanh. Giới báo chí Xô viết đã
có bài báo ca ngợi xí nghiệp tư nhân ở Trung Quốc và một số nước Đông
Âu. Luật Xô viết về hợp tác xã là bằng chứng xem xét hết sức kỹ lưỡng bài
học kinh nghiệm triển khai ở Trung Quốc và một số nước xã hội chủ nghĩa
khác. Dường như Gorbachev tỏ ra yêu thích kinh nghiệm cải cách nông
thôn của Trung Quốc và nhất quán ủng hộ tiến hành trang trại gia đình. Ông
đề cập việc này tại Đại hội Đảng lần thứ 27 vào tháng 2/1986, trong bài
diễn văn tháng 8/1987 và tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương về thuê
đất nông nghiệp vào tháng 5 và tháng 10/1988. Thực tế, ông không thuyết
phục nổi giới lãnh đạo bảo thủ về các điểm cơ bản của chính sách này. Việc
bổ nhiệm Ligachev vào vị trí phụ trách nông nghiệp sau Hội nghị Đảng lần
thứ 19 là sự chấp nhận thất bại cuối cùng, ông là người say mê với nền
nông nghiệp xã hội chủ nghĩa và không mệt mỏi thúc đẩy sự phục hưng của
nông trang tập thể và nông trường quốc doanh.