của tôi rất khác mọi người. Thất bại có thể hạ thấp nhân cách của một người
đàn ông, nhưng đối với tôi thất bại lại nâng tôi lên một tầm cao mới. Mỗi
ngày qua đi là một ngày tôi mất đi chút quyền lực”.
Như chính ông thừa nhận, yếu tố còn lại về quyền lực trong quan điểm của
Napoleon là tham vọng. Đây có lẽ cũng là yếu tố khó hiểu và khó nắm bắt
nhất, vì quan điểm về quyền lực của ông thường mâu thuẫn nhau. Nói
chung, người ta có thể cho rằng Napoleon tự hình thành tham vọng gắn với
cảm giác về số phận và rồi dùng quân sự làm phương tiện để đạt được hai
thứ cùng một lúc. Nhưng tham vọng xuất hiện trong con người ông khi nào
và ông đã kiên quyết theo đuổi tham vọng đó như thế nào? Chẳng hạn,
trong cuộc đối thoại với Roederer vào năm 1804, dường như Napoleon đã
né tránh vấn đề:
Theo tôi, tôi không có tham vọng, hoặc nếu có thì điều đó cũng hết sức tự
nhiên đối với tôi, nó tồn tại giống như dòng máu đang cuộn chảy trong
người tôi, như không khí tôi đang thở vậy. Nó không khiến tôi hành động
nông nổi hay khác đi so với bản chất của tôi. Tôi chưa bao giờ phải tuân
theo hay chống lại nó. Tham vọng chưa bao giờ đi trước tôi mà luôn song
hành cùng tôi trong mọi hoàn cảnh và suy nghĩ.
Đây là lời lẽ của một người đàn ông trong những năm còn giữ ngôi vị
hoàng đế. Nó ám chỉ rằng việc ông đạt đến đỉnh cao danh vọng là hoàn toàn
tự nhiên, hợp với hoàn cảnh chứ không phải là sự tình cờ. Sau đó một thời
gian, Napoleon trở lại chủ đề này một lần nữa tại St Helena và tuy tâm trạng
mỗi lúc một khác, ông vẫn diễn giải bằng lời lẽ tương tự. Theo cách đó, ông
tâm sự với Las Cases vào ngày 11/11/1816:
Thật sự, tôi chưa bao giờ làm chủ bản thân và luôn bị hoàn cảnh chi phối…
Tôi không làm chủ được hành động vì tôi đã nỗ lực gắn kết các sự kiện theo
cách riêng của mình. Ngược lại, tôi hướng suy nghĩ của mình theo những
chuỗi sự kiện không thể lường trước được. Điều này có vẻ bếp bênh và