Trong số những tác phẩm của các tác giả Đức trên, quan điểm của họ trái
ngược nhau quá lớn nên khó có thể đưa ra một sự đánh giá công bằng và
mang tính chuyên môn. Người ta có thể nhận thấy, nhà sử học người Đức
Droysen cũng giống các nhà văn Đức khác, đều có thái độ không mấy thiện
cảm với Napoleon. Nhưng mặt khác, ông cũng khá công bằng khi thừa nhận
những mặt tích cực trong cách cai trị của Napoleon ở Đức. Ông cho rằng,
sự cai trị đó đã góp phần thúc đẩy những thay đổi cần thiết ở đây, nhất là
ảnh hưởng của các đạo luật và những phương thức quản lý thống nhất hơn.
Ông cũng có cái nhìn rất sâu sắc về ảnh hưởng lâu dài mà Cuộc cách mạng
Pháp và Napoleon mang tới cho xã hội. Thậm chí trước khi Marx áp đặt
phép biện chứng bất di bất dịch về giai cấp của mình lên tiến trình lịch sử,
Droysen đã biện luận rằng, những thành quả mà Napoleon đạt được đã củng
cố thêm cho thắng lợi của Cuộc cách mạng tư sản Pháp. Nhà sử học
Niebuhr, trong một bài viết, cũng đã phân tích rõ những nhận định của mình
theo trình tự thời gian. Ông cho rằng, ban đầu Napoleon là người thống trị
và cũng có đem lại một số lợi ích thiết thực trong việc khôi phục trật tự
nước Pháp sau những biến động của Cuộc cách mạng, nhưng sau đó, việc
Napoleon liên tục gây ra các cuộc chiến đã hủy hoại chúng. Trong cả hai
trường hợp, Niebuhr đều quan tâm đến con người và hành động của
Napoleon nhiều hơn là những chuyển biến xã hội của thời đại.
Tuy nhiên, trong số các tác phẩm của Đức thì tác phẩm của Ranke(35) đánh
giá đầy đủ và sâu sắc nhất về con người Napoleon. Việc ông phản đối mạnh
mẽ những nguyên tắc và cách thức của Cuộc cách mạng Pháp khiến cho nỗ
lực nghiên cứu khách quan về Napoleon, kẻ đã từng xâm chiếm quê hương
ông trong cuộc chiến tranh Pháp-Phổ và chia cắt nó trong thời bình, là rất
đáng chú ý. Ông nhìn nhận Napoleon không chỉ như là người kế thừa của
Cuộc cách mạng Pháp mà còn là một con người xuất chúng, hội tụ nhiều tài
năng và lòng nhiệt tình, là hiện thân của tinh thần nhiệt huyết. Mối quan
tâm của ông về lịch sử ngoại giao đã đưa tới kết luận rằng, những chính
sách ngoại giao của Napoleon chỉ được hiểu đúng đắn nhất khi đặt trong bối
cảch quan hệ Pháp-Anh. Do đó, vấn đề Anh quốc đóng vai trò then chốt.