điểm của Thiers và những huyền thoại về Napoleon được thể hiện rất chi
tiết có hệ thống. Tuy nhiên, trong khi theo đuổi mục đích, ông không còn
giữ được tính khách quan như ban đầu. Ông cũng may mắn hơn Thiers
trong một số khía cạnh quan trọng. Ông tiếp cận với hầu hết những ấn bản
của Napoleon. Chúng đã giúp ông có những lý luận sắc sảo và chuyên
nghiệp. Sự lựa chọn thiên lệch những tài liệu cung cấp cho ông lý lẽ mà ông
thấy cần để công kích mạnh mẽ. Hình ảnh một Napoleon xuất hiện như là
kẻ hiếu chiến, cả con người và các biện pháp cai trị bạo ngược đều không vĩ
đại. Khi tái hiện lại hình ảnh đó, Lanfrey đã thiên vị hơn. Ông muốn đả kích
cả nhân cách và chế độ của Napoleon III.
Những tác động đạt được phần lớn là nhờ kết quả của những xung đột quân
sự hơn là do ảnh hưởng của bất kỳ một tác giả nào. Sau thất bại trước Phổ
năm 1870, những người ủng hộ huyền thoại Napoleon đã than khóc trong
cơn cuồng nộ. Mâu thuẫn hình thành giữa những người chứng kiến cảnh đổ
máu và cái chết của vị hoàng đế 1873 cùng con trai ông trong cuộc chiến
Zulu năm 1879. Cuối cùng, một tác giả tên tuổi là Hippolyte Taine(45) đã
dấy lên một cuộc công kích mới chĩa vào Napoleon và những huyền thoại
về ông. Vốn là người tích cực ủng hộ tự do trong Cuộc cách mạng 1848,
Hippolyte Taine đã rất thất vọng trước sự kiện công xã Paris 1871. Ba tập
đầu trong tác phẩm Les origines de la France Contemporaine của ông được
xuất bản năm 1876 đã vạch trần bản chất Cuộc cách mạng vĩ đại. Ông chỉ
trích sự hủy diệt mà Cuộc cách mạng gây ra bằng những lời lẽ cay độc.
Trong hai tập sau viết về triều đại Napoleon, Taine đã thể hiện mình là một
nhà phê bình cực đoan. Tất cả những việc hoàng đế đã làm, tất cả thể chế
ông thiết lập được mô tả như là sự mở rộng đáng ghê sợ của một tính cách
tàn nhẫn, thể hiện lòng ích kỷ và là bằng chứng của tham vọng thống trị
không ngừng. Đây là ví dụ hoàn hảo của làn sóng chống đối Napoleon. Nó
được khuếch trương và thậm xưng đến mức vô lý.
45 Hippolyte Taine (1828-1893): nhà sử học, nhà phê bình văn học người
Pháp.