Cho dù người ta nghi ngờ sự trung thành của Fouché nhưng chính ông đã
thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin hiệu quả nhờ các mối quan hệ tốt
với giới tội phạm ngầm và những thủ thuật mà ông có được từ chế độ cũ.
Với sự hỗ trợ của bốn cố vấn nhà nước, mỗi người cai quản một quận lớn,
ông đã khai thác được rất nhiều tin tức quan trọng, nhất là những mưu đồ
chính trị chống lại Napoleon. Trong đó, đáng chú ý là L.-N. Dubois, một
trong những thuộc hạ của ông phụ trách quận thứ 3 (quận trưởng cảnh sát
Paris). Trong mắt dân chúng hình ảnh Fouché biểu trưng cho mặt trái của
chế độ Napoleon.
Sự mở rộng hệ thống quyền lực chính phủ của Napoleon tới tất cả các vùng
lãnh sự cộng hòa một quá trình khởi đầu sớm và sức lan tỏa rộng lớn. Dù sự
kiểm soát quá trình này của ông chưa thông suốt như đã tuyên bố nhưng
vẫn là quá trình kiểm soát toàn diện và thống nhất hơn các quá trình trước
đây. Cuộc cải tổ chính phủ cấp địa phương và khu vực của ông có sức sống
lâu dài hơn những cuộc cải tổ chính phủ trung ương. Và các thành tựu chủ
yếu của ông chỉ được hiểu khi so sánh với sự yếu kém của thời kỳ cách
mạng. Trong thời kỳ khủng bố, quận là nền tảng cơ bản và trọng yếu của
chính quyền Gia-cô-banh. Hội đồng Đốc chính lại lo ngại phái Gia-cô-banh
quay trở lại, nên đối phó bằng việc củng cố vị trí của khu hành chính. Coi
đó như là một đơn vị quản lý hành chính quan trọng của thể chế. Giữa năm
1795 và 1799, chính quyền các khu hành chính gồm 5 thành viên, do các
hội đồng gồm những công dân giàu có (1/5 trong số đó được thay thế hàng
năm) bầu ra, được trao quyền quản lý các khu tự trị. Nhưng vào thời điểm
đó, các thành viên này lại bị phụ thuộc vào các ủy viên hội đồng trung ương
của các bộ tại Paris. Hệ thống này hoạt động không tốt, nhất là trong quản
lý tài chính địa phương. Vì thế, những gì nó để lại chỉ là một mớ hỗn độn.
Các tranh chấp chính trị cũng đã làm suy yếu dần sự ổn định của hệ thống
và ở một số khu vực, chỉ có sự can thiệp của quân đội mới khiến các mệnh
lệnh được thi hành.