khóa là năm chiếc núm thép di động trên đó có khắc các chữ cái. Trước khi
tra chìa vào khóa, người ta phai xê dịch các núm chữ cái theo một trật tự quy
định. Và cũng giống như các nhà băng khác, ông Fauvel thường xuyên thay
đổi mật mã của khóa. Mật mã đó chỉ có ông chủ nhà băng và thủ quỹ được
biết. Ngoài ra họ cũng có mỗi người một chìa khóa. Với chiếc két như vậy
thì dù có đựng kim cương cũng có thể yên tâm ngủ kỹ.
Có lẽ chỉ còn mỗi một rủi ro là người ta quên mất câu thần chú ‘Vừng ơi
mở ra’ để mở cánh cửa sắt…
Trong khi đó, sáng ngày 28 tháng Hai, các nhân viên nhà băng Fauvel vẫn
tới làm việc như thường lệ.
Đến chín rưỡi, khi ai đã vào việc nấy thì có một người đàn ông đứng tuổi,
da ngăm đen, có dáng nhà binh, mặc đồ tang, bước vào căn phòng kề trước
buồng két, nơi có năm, sáu nhân viên đang làm việc. Ông ta xin được gặp
thủ quỹ. Người ta trả lời ông ta rằng thủ quỹ chưa tới, và rằng buồng két chỉ
mở cửa từ mười giờ sáng, như thông báo đã ghi rõ ở ngoài tiền sảnh. Câu trả
lời làm ông ta chưng hửng và rất bất bình.
- Tôi nghĩ là tôi phải gặp một người nào có trách nhiệm, - ông ta nói xẵng
gần như xấc xược. - Bởi vì hôm qua tôi đã thỏa thuận với ông Fauvel rồi.
Tôi là hầu tước Louis de Clameran, chủ xưởng sắt ở Oloron. Tôi đến để rút
300.000 franc tiền của anh trai tôi mà tôi là người thừa kế. Thật lạ là ông ta
vẫn chưa ra lệnh…
Cả tước hiệu quý tộc lẫn lý lê của ông chủ xưởng đều không làm cho các
nhân viên động lòng:
- Anh thủ quỹ chưa đến, chúng tôi không thể giải quyết được.
- Thế thì cho tôi gặp ông Fauvel.
Mọi người do dự giây lát, sau đó có một nhân viên trẻ tuổi tên là
Cavaillon lên tiếng:
- Giờ này ngày nào ông chủ cũng ra phố.
- Thế thì chốc nữa tôi sẽ quay lại.
Ông ta bỏ đi không thèm chào, thậm chí cũng chẳng thèm ngả mũ như lúc
ông ta vào.