- Ngân hàng đã ghi lại cho tôi, anh bạn trẻ ạ, và thật là may. Khi đảm
nhiệm một vụ việc nào thì ta phải phòng ngừa mọi chuyện và không được
quên bất cứ điều gì.
Nếu như ban đầu Prosper có phần nào ghê sợ phải phó mặc hoàn toàn cho
ông bạn của bố mình thì giờ đây nỗi ghê sợ ấy đã biến mất. Anh hiểu rằng
nếu để một mình anh thì không bao giờ anh có được sự sáng suốt kiên nhẫn
của nhân vật kỳ lạ này. Trong lúc đó ông ta vẫn tiếp tục tự nói với mình như
thể quên hẳn sự có mặt của Prosper:
- Như vậy số tiền này phải do một người khác gửi tới. Đó là người đã có
mặt ở bên két sắt trong lúc xảy ra vụ trộm mà người đó đã không can ngăn
nổi và bây giờ người ấy đang hối hận. Giờ đây, giả thuyết về sự có mặt của
hai người khi xảy ra vụ trộm đã trở thành một sự thật chắc chắn không phải
bàn cãi. Ergo
, ta đã đoán đúng.
Prosper vừa nghe vừa cố tưởng tượng để hiểu chút gì trong lời độc thoại
của ông khách.
- Ta hãy tìm, - ông Verduret nói tiếp, - ta hãy tìm xem người thứ hai này là
người thế nào mà mặc dù bị lương tâm cắn rứt nhưng không dám tiết lộ.
Ông cầm lấy bức thư đọc đi đọc lại thong thả từng chữ một. Ông nói khẽ:
- Rõ ràng là bức thư này do một ngươi đàn bà thảo ra. Không bao giờ một
người đàn ông gửi tiền giúp một người đàn ông khác lại dùng chữ: “cứu tế”
vì nó rất xúc phạm. Một người đàn ông có thể dùng từ: cho vay, trợ giúp,
tiền, hoặc bất cứ một từ tương đương nào khác, nhưng “cứu tế” thì không
đời nào. Chỉ có một người đàn bà vì không hiểu hết tính dể tự ái ngớ ngẩn
của đàn ông thì mới coi việc dùng từ ấy là chuyện tự nhiên. Còn câu nói “có
một trái tim” thì chỉ có thể coi đó là suy nghĩ của một người đàn bà.
Lần này thì Prosper có thể theo dõi được công việc suy luận của ông
Verduret. Anh liền bảo:
- Thưa ông, tôi nghĩ là ông nhầm, không thể có một người đàn bà nào xen
vào vụ án này được.
Ông Verduret không phản đối câu ngắt lời của Prosper, có thể ông không
nghe thấy, cũng có thể ông thấy không cần thiết phải bàn cãi. Ông vẫn nói
tiếp: