NHÀ THÔNG THÁI
“Ông biết không, ông công tố viên,” ông Janowitz giảng giải, “tôi
không dễ bị ai lòe đâu nhé, tôi không phải là người Do Thái vô bổ đâu nhé,
chứ không à? Thế nhưng những cái mà anh ta làm, nó phải ở trên tầm hiểu
biết của tôi. Cái này không chỉ là tướng pháp nhé, tôi cũng chẳng biết nữa.
Ông thử xem: ông đưa cho anh ta một tờ giấy ai đó viết vào trong phong bì
không dán; anh ta cũng chẳng nhìn, chỉ thò mấy ngón tay vào phong bì, sờ
vào chữ; trong lúc đó anh ta chụm mồm như bị đau ấy. Sau một lát anh ta
kể về tính tình của người viết, nhưng ông phải thấy trực tiếp cơ. Cái anh
này đoán chính xác lắm. Tôi cho một bức thư của lão già Weinberger vào
phong bì; anh ta nhận ra hết, cả cái việc là lão này bị bệnh tiểu đường, rồi
thế nào cũng sạt nghiệp. Ông nói sao nào?”
“Có gì đâu,” ông công tố viên nói. “Có thể tay ấy biết lão già
Weinberger.”
“Nhưng anh ta không nhìn thấy chữ,” ông Janowitz bực mình. “Anh ta
nói rằng mỗi chữ đều có dòng chảy riêng và nghe nói cái này có thể nghiên
cứu chính xác được. Anh ta bảo đó là hiện tượng hoàn toàn mang tính vật
lý, giống như cái đài radio. Ông công tố viên ạ, cái này không phải lừa đảo
đâu; cái anh hoàng tử Karadagh chẳng lấy gì của ai cả, nghe nói anh ta là
hậu duệ của một dòng họ rất lâu đời ở Baku, có một tay người Nga bảo tôi
thế. Nhưng tôi chẳng nói dài làm gì, ông hãy đến mà xem, tối nay anh ta có
mặt ở nhà tôi mà. Ông phải đến đấy nhé.”
“Ông nghe này, ông Janowitz ơi,” ông công tố viên nói, “những
chuyện kiểu này hay đấy, nhưng tôi chỉ tin bọn ngoại quốc năm mươi phần