minh được. Tóm lại là một vụ án to; vụ này ông công tố viên đặc biệt quan
tâm; ông đã làm các hồ sơ với sự cần mẫn và sáng tạo. Việc này đưa ông
trở thành công tố viên đáng sợ nhất trong xã hội. Vụ án không rõ ràng, ông
công tố viên có thể phải trả giá không biết bao nhiêu để có một chứng cớ
trực tiếp, nhưng mọi việc chùng chình không nhích nên ông phải tin vào sự
thông minh của mình để thuyết phục đoàn bồi thẩm ra quyết định treo cổ
Hugo Muller, vì đó là danh dự của các công tố viên của nhà nước.
Tối hôm đó ông Janowitz hơi bực bội. “Đây là hoàng tử Karadagh,”
ông nói nhỏ, “và dr. Klapka, nào chúng ta có thể bắt đầu.”
Ông công tố viên nhìn gã người lạ với ánh mắt đầy dò hỏi; con người
này trẻ và mảnh mai, mắt đeo kính, có khuôn mặt giống như nhà tu hành
Tây Tạng và đôi tay mềm mại như tay của kẻ trộm. Kẻ mạo nhận đây, ông
đoán rất nhanh.
“Anh Karadagh ạ,” ông Janowitz nói, “ở đây có nước khoáng đấy. Nào
anh bật đèn lên, tôi tắt đèn trần để anh không bị mất tập trung. Được. Nào
quý vị, im lặng nào. Ông, e hèm, dr. Klapka đã mang đến một bức thư viết
tay; đề nghị anh Karadagh, xin mời...”
Ông công tố viên ho nhẹ, ông ngồi xuống để nhìn nhà thông thái thật
rõ. “Bức thư ấy đây,” ông nói và rút từ túi ngực cái phong bì đã dán kín.
“Xin mời.”
“Cảm ơn,” nhà thông thái nói nhỏ, cầm lấy phong bì, nhắm mắt lại và
lộn ngược phong bì trên các ngón tay. Bỗng nhiên anh ta run lên và lắc đầu.
“Đặc biệt thật,” anh ta lẩm bẩm và uống một hớp nước. Sau đó anh ta thò
ngón tay vào phong bì rồi giật bắn mình; người ta có cảm giác là khuôn mặt
hơi vàng của anh ta xám đi.
Trong phòng im ắng đến mức người ta nghe rõ cả hơi thở khò khè của
ông Janowitz, ông này bị khó thở.
Đôi môi mỏng của hoàng tử Karadagh run run và cong lên, cứ như các
ngón tay anh ta đụng phải thanh sắt nóng bỏng; trán anh ta vã mồ hôi. “Tôi