hai cái răng vổ như sóc ra. “Thôi, tôi đi kiểm tra xem thằng Andrlík đã làm
gì đây.”
“Cho tôi hỏi thăm nó nhé,” đại tá gầm gừ. Không thể tin được, ông
nghĩ, khi ông lại trở về với tâm tư đau đớn của mình. Cảnh sát bây giờ thật
kém. Giá mà họ tìm theo dấu vân tay hay vết chân chứ - ừ, có cả bao nhiêu
phương pháp chuyên môn; nhưng mà điều tra ngu thế ư? Đời nào cảnh sát
có thể đụng được vào cánh tình báo quốc tế cơ chứ! Mình còn phải xem
cậu Vrzal làm được gì đã.
Đại tá không vượt qua được sự cám dỗ và gọi điện thoại cho trung tá
Vrzal; sau nửa giờ ông đã được kết nối. “A lô” ông ngọt ngào, “Hampl đây.
Đề nghị cậu cho biết thế nào rồi. Mình biết cậu không được nói gì, nhưng
chỉ mong cậu... nếu có thể. Trời ạ, vẫn chưa có gì à? Mình biết vụ này khó,
nhưng... Khoan nào, Vrzal ơi, này nhé. Mình nhớ ra, mình sẽ thưởng cho ai
tóm được tên trộm mười nghìn của mình. Mình không có nhiều hơn, nhưng
cậu biết đấy, với công to như thế... Mình biết là không đâu; nhưng đây là
việc riêng của mình... Ừ, việc riêng mà; không phải là việc công... Hay là
chia cho bọn thám tử dân sự nhé? Nhưng tất nhiên rồi, cậu không biết đâu,
chỉ cần cậu nói mánh cho bọn nó hiểu là được rằng đại tá Hampl hứa mười
nghìn... Tốt, để thằng trung sĩ nó nói cho. Thế bạn nhé! Xin lỗi nhé. Cảm
ơn cậu.”
Đại tá thấy nhẹ người sau quyết định hào phóng của mình; ông có cảm
giác bây giờ ông có công trong việc tìm bắt tên gián điệp ăn trộm. Ông nằm
lên ghế sofa vì mệt và tức tối, rồi tưởng tượng ra cảnh một trăm, hai trăm,
ba trăm đàn ông (tất cả đều tóc hung hung, nhe hàm răng vố giống như
Pištora) đang khám xét tàu hỏa, chặn xe ô tô khi đi về phía biên giới, rình
rập con mồi của mình ở các góc phố và bỗng nhiên nhảy ra và quát lên:
“Nhân danh luật pháp. Đề nghị đi theo tôi và im mồm.” Có lúc ông tưởng
tượng ra hình ảnh ông thi bắn trong Học viện Quân sự, ông giật mình hét
lớn và tỉnh dậy, mồ hôi nhễ nhại. Có ai đó bấm chuông.